Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2016 tiếp tục xu hướng tăng; Vốn FDI tăng trưởng tốt; Nóng tranh luận về Thông tư 20; Lỗ hổng an ninh lớn trong hệ thống thanh toán Ngân hàng; Phát hiện thêm một công ty niêm yết làm ảo số liệu … là những tin tức kinh tế nổi bật tuần qua.

Tin kinh tế vĩ mô

Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 8/2016 tăng 0,1% so với tháng 7 và tăng 2,58% so với đầu năm 2016. Mức tăng chủ yếu do tăng giá hàng hóa dịch vụ công như y tế, giáo dục. Thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,18%, giáo dục tăng 0,47%. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và các tổ chức, với mức chỉ số giá tiêu dùng như hiện nay, lạm phát chung cả năm có khả năng đạt dưới 5%.

(Nguồn Tổng cục thống kê)

Vốn FDI 8 tháng đầu năm đạt gần 15 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015. Số dự án cấp mới là 1.619 dự án, với tổng vốn đăng ký là 9.795 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ. Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 73% tổng số vốn đăng ký) và bất động sản (chiếm 5.8%) là hai lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nhiều nhất. Theo địa bàn đầu tư, Hải phòng là địa phương thu hút nhiều FDI nhất, tiếp đến là Hà nội, Đồng Nai, Bình Dương.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Tin thị trường

Giá vàng liên tục hạ. Theo xu hướng giảm của vàng thế giới, vàng trong nước cuối tuần qua sụt xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua. Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ngày 25.8.2016 là 36,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,47 triệu đồng/lượng (bán ra).

(Nguồn DOJI)

Tỷ giá VND/USD ổn định. Tỷ giá USD tiếp tục “nằm im” trên cả thị trường tự do và ngân hàng. Trong tuần qua, tỷ giá VND/USD giữ nguyên ở mức 22.260 đồng (mua vào) và 22.330 đồng (bán ra).

(Nguồn VCB)

Sắp sáp nhập Metro Việt Nam và Big C Thái Lan. Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi vừa tuyên bố kế hoạch sẽ sáp nhập hệ thống chuỗi siêu thị Metro Việt Nam với Big C Thái Lan. Nếu hợp nhất, tập đoàn TCC sẽ mạnh hơn rất nhiều và giành lợi thế trong cuộc đua cạnh tranh với các doanh nghiệp khác không chỉ trên thị trường Việt Nam, Thái Lan mà còn tại khu vực tiểu vùng sông Mê-kông và Đông Nam Á.

Nóng tranh luận về Thông tư 20. Thông tư 20/TT-BCT quy định các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ phải có giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất xe ô tô được ban hàng từ 12/5/2011, đến 1/7/2016 hết hiệu lực theo quy định mới của Luật Đầu tư. Giữ nguyên hay bỏ quy định này vẫn đang là một đề tài tranh cãi nóng bỏng giữa các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất xe, các doanh nghiệp nhập khẩu xe và người tiêu dùng.

Tin ngân hàng

NHNN tăng cường kiểm soát rủi ro đối với các doanh nghiệp có dư nợ lớn nhằm giảm rủi ro tín dụng tập trung vốn đã manh nha các dấu hiệu xấu. Như vậy, đối tượng nhắm đến sẽ thuộc nhóm Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, các Tập đoàn kinh tế tư nhân. Ngày 24/8/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có công văn số 6373/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn, cấp tín dụng đối với khách hàng có dư nợ lớn.

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Ngày 25/8/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn số 6395/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Các TCTD phải thẩm định chặt chẽ các dự án BOT, BT trước khi cho vay, lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn cao, không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Công ty Tài chính Quốc tế (IFC)  đã mua 4,999% cổ phần của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) thông qua hình thức cổ phiếu ưu đãi với trị giá khoảng 18,3 triệu USD

Lổ hổng lớn trong hệ thống thanh toán các Ngân hàng thương mại.  Sau vụ việc của khách hàng Hoàng Thị Na Hương khiếu nại bị mất 500 triệu trong tài khoản Vietcombank, thêm hàng loạt khiếu nại của khách hàng mất tiền trong tài khoản ngân hàng khác như ANZ, VP Bank, VIB, …. gây tâm lý hoang mang cho khách hàng gửi tiền.

Tin chứng khoán

Các chỉ số thị trường đồng loạt tăng điểm trong tuần qua. Cụ thể, VN-Index kết thúc tuần tăng 0.83% đứng tại 667.75 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần tăng 1% đang dừng ở 83.93 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường trên cả hai sàn sụt giảm mạnh. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 102.9 triệu đơn vị/phiên giảm 10.87% so với tuần giao dịch trước; sàn HNX đạt hơn 31 triệu cổ phiếu/phiên giảm 13.22%. Sức mua tập trung ở khối nhà đầu tư nội.

Nhà đầu tư nước ngoài: bán ròng gần 523.2 tỷ đồng trên cả hai sàn. Lực bán của khối ngoại tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu Bluechip và trụ cột như VIC, VNM, PVD, MSN,…

(Nguồn Vietstock, HOSE, HNX)

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết Bộ Tài chính đang xem xét hồ sơ xin cấp phép thành lập công ty định mức tín nhiệm đầu tiên. Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

(Nguồn: Đầu tư chứng khoán)

Phát hiện thêm một công ty niêm yết công bố số liệu hàng tồn kho “ảo”. CTCP NATCO (mã ATA –HSX) công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, trong đó số liệu hàng tồn kho bằng 0 trong khi báo cáo tài chính tự lập đã công bố ra công chúng có ghi nhận 364 tỷ đồng hàng tồn kho. Đây là trường hợp công ty niêm yết thứ hai sau Gỗ Trường Thành(TTF) có số liệu hàng tồn kho “ảo” gây suy giảm niềm tin nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây.

(Nguồn: Sở giao dịch CK Hồ Chí Minh)

Quỹ đầu tư Hàn Quốc rót vốn mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong 7 tháng qua, các quỹ đầu tư Hàn Quốc đã mua ròng hơn 100 triệu USD cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính phủ Hàn Quốc mới đây cho phép miễn thuế trong vòng ba năm với các khoản đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Quy định này khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc tích cực đầu tư ra nước ngoài, trong đó thị trường chứng khoán Việt Nam được coi là điểm rót vốn hấp dẫn.

(Nguồn:NDH)

Nguyên Hương

Xem thêm: