Dù Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có chỉ thị giải quyết các vấn đề vướng mắc về thủ tục đối với các dự án điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió) nhưng 23 nhà đầu tư vừa gửi văn bản hối thúc Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành các hướng dẫn để hòa lưới điện, giải quyết vấn đề còn lại trong đàm phán giá với Tập đoàn EVN.

dien mat troi dien gio nang luong tai tao EVN 1525381103
Ảnh minh họa: Nguyen Quang Ngoc Tonkin/Shutterstock)

Ngày 23/5, nhóm 23 nhà đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời đang đàm phán giá chuyển tiếp đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương – ông Nguyễn Hồng Diên,  kiến nghị hướng dẫn về mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới, thực hiện thanh quyết toán theo hợp đồng mua bán điện, tờ Tuổi Trẻ đưa tin.

Thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nhánh chóng có văn bản trước ngày 20/5 chỉ thị Tập đoàn Điện lực (EVN) đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới.

Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá sẽ được thanh toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.

Tuy nhiên, 23 nhà đầu tư cho biết đến nay EVN chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Công thương nên quá trình đàm phán sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện (PPA) cho các dự án tiếp tục chậm trễ.

Cụ thể, trong dự thảo hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện, điều khoản về giá mua điện vẫn chưa có quy định thể hiện rõ nội dung “sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện”.

Vì vậy, hai bên chưa thể ký hợp đồng khi chưa làm rõ được việc thanh quyết toán sau khi có giá mua điện chính thức sẽ được thực hiện như thế nào.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan chức năng liên quan tích cực giải quyết thủ tục pháp lý. Đặt trong bối cảnh thiếu điện trầm trọng như hiện nay, rất cần việc sớm hòa lưới điện nguồn điện gió, mặt trời đang bị lãng phí nhiều tháng qua.

Sau 2 năm mòn mỏi chờ đợi, nhiều doanh nghiệp cho biết sắp phá sản và lãng phí hàng chục nghìn tỷ đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo báo Việt Nam Net, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng: Các mức giá trần của Quyết định 21 của Bộ Công thương năm 2023 thể hiện mức giảm 20-25% so với các mức giá FiT trước đó (đối với điện gió, dựa trên tỷ giá hiện tại) và giảm gần 40% đối với điện mặt trời nối đất.

Các dự án chuyển đổi đã được xây dựng có thể sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các mức giá này.

“Bộ Công thương nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia độc lập để kiểm chứng các giả định và phương pháp luận đưa ra trước khi hoàn thiện các khung giá”, hiệp hội này nêu ý kiến.

Vừa qua,Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký Quyết định số 500 ngày 15/5/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn năm 2021 – 2030, mục tiêu đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Trong đó, đối với chuyển đổi năng lượng, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, mục tiêu đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

Về cơ cấu nguồn điện năm 2022, EVN cho biết chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 47,9%, từ thủy điện chiếm 20,9%, từ nhiệt điện khí chiếm 12,7%, từ năng lượng tái tạo chiếm 17,1% và phần còn lại từ nhập khẩu và nhiệt điện dầu chiếm 1,4%.

Tuấn Minh