Trong điều kiện thanh toán, chuyển tiền online ngày càng trở nên dễ dàng và tiện lợi thì cũng xuất hiện nhiều hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang khiến nhiều người lo lắng.

shutterstock 293166725
(Ảnh minh họa: Brian A Jackson / Shutterstock )

Một số hình thức cố ý lừa đảo hoặc chiếm đoạt tài sản:

Theo báo Vietnamnet đưa tin, mới đây, chị H. (42 tuổi, TP.HCM) bỗng dưng thấy 30 triệu đồng chuyển vào tài khoản. Sau đó, chị nhận được lời mời kết bạn Zalo, người này xác nhận đã giải ngân khoản vay thành công và yêu cầu chị thanh toán nợ đúng hạn trong vòng 1 tháng. Chị đề nghị chuyển lại ngay số tiền vừa nhận được nhưng người kia yêu cầu chị phải trả cả gốc lẫn lãi, lên tới gần 45 triệu đồng nếu tất toán ngay. Khi chị liên lạc với ngân hàng để kiểm tra lại giao dịch và dọa sẽ báo công an thì người kia mới xin lại tiền.

Anh V.H.T. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh T. nhận được hơn 2 triệu đồng vào tài khoản. Khoảng nửa tiếng sau, có số điện thoại lạ gọi đến cho biết đã lỡ chuyển nhầm cho anh và mong được anh chuyển lại. Chị ta nói rằng đang ở nước ngoài nên nhờ anh đăng nhập vào dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Sau khi điền xong thông tin, anh T. phát hiện thấy mấy chục triệu đồng trong tài khoản của mình bị rút sạch.

Một chiêu thức khác của các đối tượng lừa đảo là lập ra trang web giả mạo, có giao diện khá giống với website của ngân hàng. Đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ dịch vụ. Nhóm này gửi đường link giả để họ đăng nhập vào trang web giả mạo, sau đó đánh cắp thông tin đăng nhập rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật của khách hàng.

Vào đầu tháng 5, Công an quận Đống Đa, TP. Hà Nội bắt giữ nhóm đối tượng chuyên giả danh ngân hàng lừa đảo người chuyển khoản nhầm để chiếm đoạt tiền của họ, theo Vietnamnet đưa tin.

Quy định của Pháp luật:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 579 Bộ luật dân sự năm 2015 có nêu:
“Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”.

Như vậy, trong trường hợp nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng mà không biết ai đã chuyển cho mình, trước tiên hãy bình tĩnh, tuyệt đối không nên tham lam và phải hỏi xem một số người thân hoặc đối tác kinh doanh có ai đã chuyển tiền mà không báo cho bạn biết hay không.

Nếu đã xác định không phải của người thân hoặc đối tác chuyển và số tiền kia là của người lạ chuyển nhầm, bạn nên lập tức đến chi nhánh ngân hàng gần nhất hoặc công an phường để trình báo sự việc.

Những hành vi không nên làm khi nhận được số tiền chuyển nhầm của người lạ:

  • Rút tiền được chuyển nhầm ra và sử dụng vào mục đích cá nhân, bởi vì số tiền mặc dù đã trong tài khoản của bạn nhưng theo Luật nó không thuộc quyền sở hữu của bạn. Nếu sử dụng và không có tiền để trả lại, bạn có thể bị truy tố theo pháp luật.
  • Tùy tiện bấm vào những đường link lạ do người khác gửi đến, không được cung cấp mã OTP ngân hàng cho bất kỳ ai (kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, công an, người hỗ trợ của tổng đài, v..v..).
  • Tùy ý chuyển trả lại cho người khác khi chưa xác định được chủ nhân của số tài khoản đã chuyển nhầm. Kẻ xấu thường lợi dụng sơ hở này để lừa đảo. Nếu chủ nhân của số tiền có gọi điện cho bạn, bạn cũng nên bảo rằng bạn sẽ ra ngân hàng để xác minh và nhờ ngân hàng hỗ trợ hoàn tất thủ tục để chuyển trả. Bởi vì nếu bạn chuyển trả cho một người khác (tự xưng là chủ nhân số tiền trên nhưng thực tế không phải chủ nhân của số tiền), thì theo luật, bạn vẫn chưa hoàn trả số tiền về cho chủ nhân hợp pháp của số tiền chuyển nhầm. Do vậy, bạn vẫn bị xem là đang chiếm giữ tài sản của người khác. Lựa chọn tốt nhất là bạn vẫn nên ra ngân hàng để đảm bảo chuyển về đúng người sở hữu, có đại diện ngân hàng làm chứng.

Khi người nhận tiền chuyển nhầm cố ý không giao trả hoặc chiếm đoạt thì sẽ bị xử lý theo quy định của Pháp luật, theo điều 176 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định:

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Ngược lại, nếu bạn là người chuyển nhầm tiền cho người khác, bạn cần lập tức ra chi nhánh ngân hàng gần nhất để trình báo sự việc, mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân và hình ảnh giao dịch chuyển nhầm để nhờ ngân hàng liên lạc với chủ tài khoản nhận tiền nhầm.

Bên cạnh đó, bạn nên chủ động tìm thông tin của chủ tài khoản nhận nhầm và lịch sự nhờ họ ra ngân hàng chuyển lại cho bạn. Bởi vì sự việc và số tiền chuyển nhầm cần được ngân hàng xác minh nên sẽ mất thời gian và pháp luật cũng không quy định thời gian mà ngân hàng phải giải quyết cho bạn trong trường hợp này.

Nếu phát hiện chủ tài khoản nhận nhầm không hợp tác để chuyển trả lại và có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, bạn có thể ra công an để trình báo sự việc và khởi kiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, tài sản chuyển nhầm vẫn thuộc quyền sở hữu của bạn nên có thể dùng đến Pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Trong trường hợp bạn gặp phải đối tượng cố ý chuyển nhầm tiền và sau đó có hành vi gọi điện hoặc nhắn tin hù dọa, đe dọa hoặc lừa đảo, bạn nên bình tĩnh, không nghe theo hướng dẫn của họ mà nhanh chóng đến chi nhánh ngân hàng gần nhất để trình báo sự việc và đồng thời báo sự việc cho công an nắm thông tin điều tra sự việc.

Quang Minh (t/h)

Xem thêm: