Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa cho biết doanh thu quý 1/2022 của doanh nghiệp này đạt hơn 67.000 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy, Tập đoàn này cho hay lãi gộp giảm 18% do phải tăng nhập khẩu xăng dầu giá cao để giải quyết vấn đề thiếu hụt trong nước.

Tập đoàn Petrolimex báo cáo lợi nhuận sau thuế đạt 442 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2021. (Ảnh chụp màn hình: Petrolimex.com.vn)

Tập đoàn Petrolimex cho biết doanh thu quý 1/2022 của tập đoàn này đạt 67.020 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy, giá vốn hàng bán cũng tăng theo lên 64.242 tỷ đồng, lãi gộp quý 1 của Petrolimex đạt 2.777 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.

Trong đó, chi phí bán hàng của Tập đoàn Petrolimex là 2.297 tỷ đồng, doanh thu tài chính và phần lãi trong công ty liên kết tăng lần lượt lên 300 tỷ đồng và 234 tỷ đồng.

Tổng kết lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 của Petrolimex đạt 442 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Lý giải về việc doanh thu tăng nhiều nhưng lợi nhuận sau thuế giảm, Petrolimex cho biết thời gian qua nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng trở lại và giá dầu thế giới có xu hướng tăng do ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga-Ukraine.

Bên cạnh đó, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng xuống còn 55-80% so với bình thường, có thời điểm phải ngừng sản xuất, không đáp ứng đủ sản lượng cam kết theo hợp đồng.

Do vậy, Petrolimex cho hay phải nhập khẩu lượng lớn xăng dầu với bình quân giá cao để giải quyết vấn đề thiếu hụt trong nước khiến lợi nhuận quý 1 sụt giảm.

Trước đó, những tháng đầu năm 2022 đã xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu ở một số tỉnh thành như: TP.HCM, An Giang, Đắk Lắk,… Nguyên nhân được cho là Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có khó khăn về tài chính và vướng mắc thanh toán sớm hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nên phải cắt giảm công suất.

Tuy nhiên, nguồn cung giảm đột ngột của Nghi Sơn không thể khiến lượng xăng dầu thiếu hụt ngay lập tức nếu Việt Nam có nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia.

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội hôm 16/3, ĐB Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về nguồn cung xăng dầu: “Theo báo cáo, Việt Nam không có dự trữ quốc gia về xăng dầu. Đây có phải là nguyên nhân chính gây nên bất ổn về giá xăng dầu như hiện nay không? Bộ có đề xuất với Chính phủ về vấn đề này không?”.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Đại biểu Tiến nói không có dự trữ xăng dầu quốc gia – không phải. Chúng ta có dự trữ, nhưng lượng dự trữ của chúng ta là rất ít, chỉ đáp ứng được nhu cầu trong 5-7 ngày.”

Ông Diên cho hay trong báo cáo do Bộ Công thương gửi Quốc hội, Bộ này sẽ cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu để nâng mức dự trữ lên, đáp ứng được ít nhất 1-2 tháng.

Liên quan đến nguồn cung xăng dầu trong nước, tại báo cáo tình hình sản xuất 4 tháng đầu năm 2022 công bố ngày 4/5, Bộ Công thương cho biết PVN đã đồng ý thông qua cơ chế thanh toán sớm hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiên liệu cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đến hết tháng 5/2022.

Do đó, Nhà máy này sẽ cam kết sản lượng cung cấp dự kiến cả quý 2/2022 là 1,83 triệu m3, trong đó tháng 4 là 590.000m3, tháng 5 là 630.000m3 và tháng 6 là 610.000m3.

Theo Bộ Công thương, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thị trường cả năm 2022 dự kiến khoảng 20,6 triệu m3 (nhu cầu quý 2 khoảng 5,2 triệu m3).

Bộ này dự kiến tổng nguồn cung xăng dầu quý 2 khoảng 6,73 triệu m3. Cụ thể, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dự kiến cung ứng 1,83 triệu m3; Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn dự kiến 1,9 triệu m3; nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 và nguồn tồn kho từ quý 1 chuyển sang là 1,5 triệu m3.

Kiến Minh