Theo những nhà phân tích và đầu tư, các hãng dược phẩm Moderna và Pfizer-BioNTech có thể thu về hàng tỷ USD nhờ bán các liều vắc-xin COVID-19 bổ sung trong những năm tới, tương đương với mức doanh thu 6 tỷ USD hàng năm từ việc bán vắc-xin cúm.

vắc-xin
(Ảnh minh họa: Mikael Dolsten/Shutterstock)

Các hãng dược phẩm Pfizer cùng đối tác BioNTech đến từ Đức và Moderna sẽ cùng nhau thu được hơn 60 tỷ USD khi bán vắc-xin COVID-19 của mình chỉ trong năm 2021 và 2022, với các thỏa thuận trong đó có việc cung cấp 2 liều đầu tiên và liều bổ sung, theo tờ Reuters.

Giới nhà phân tích đã dự đoán rằng doanh thu của Pfizer-BioNTech sẽ đạt trên 6,6 tỷ USD trong khi con số này của Moderna là 7,6 tỷ USD vào năm 2023, chủ yếu đến từ việc bán các liều vắc-xin bổ sung.

Moderna đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận liên quan đến dự báo doanh thu tiêm liều vắc-xin bổ sung. Trong khi đó, người phát ngôn của Pfizer cho biết công ty chỉ cung cấp dự báo doanh thu bán vắc-xin COVID-19 trong năm 2021 là 33,5 tỷ USD.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước, Chủ tịch Stephen Hoge của Moderna cho hay rằng hiện vẫn chưa rõ động lực thị trường thúc đẩy doanh số bán vắc-xin COVID-19 trong tương lai. Bên cạnh đó, ông cũng nói thêm rằng: “Đến một lúc nào đó, đây sẽ trở thành một thị trường truyền thống hơn – chúng ta sẽ xem xét rủi ro đối với người dân là gì, chúng ta đang tạo ra giá trị gì và số lượng sản phẩm phục vụ giá trị đó là bao nhiêu. Điều này cuối cùng sẽ tác động đến chuyện giá cả”.

Trong cuộc họp báo cáo thu nhập quý II của Pfizer, các nhà điều hành hãng dược phẩm cho biết họ tin rằng tiêm liều vắc-xin thứ 3 sẽ là việc cần thiết trong vòng từ 6 đến 8 tháng sau khi tiêm 2 liều đầu, và điều này sẽ cần phải lặp lại một cách đều đặn sau đó.

Các nhà sản xuất vắc-xin đã chỉ ra bằng chứng về mức độ kháng thể suy giảm ở những người đã tiêm chủng đầy đủ sau 6 tháng, cùng tỷ lệ nhiễm virus (dù đã tiêm chủng) ngày càng tăng ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến thể Delta. Đây được xem là nguyên nhân chính thúc đẩy nhu cầu tiêm liều vắc-xin bổ sung.

Dự báo trên được đưa ra sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép cho Pfizer-BioNTech và Moderna tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ 3 cho một số người dễ bị nhiễm bệnh và suy giảm hệ miễn dịch vào hôm 12/8 vừa qua. Một số quốc gia khác, trong đó có Israel và Pháp, cũng khuyến nghị tương tự về việc tiêm liều bổ sung.

Sau đó, vào ngày 13/8, một ban cố vấn y tế của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng đã nhất trí bỏ phiếu khuyến nghị tiêm các liều vắc-xin bổ sung cho người Mỹ bị suy giảm hệ miễn dịch. Sự chấp thuận của Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng đã mở đường để CDC Mỹ “gật đầu” cho việc tiêm liều vắc-xin bổ sung diễn ra vào cuối ngày 13/8. Điều này sẽ cho phép triển khai gần như ngay lập tức các liều tiêm bổ sung.

Cố vấn của Nhà Trắng về vấn đề COVID-19 Anthony Fauci cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 12/8 vừa qua rằng ông tin “có khả năng” mọi người sẽ cần phải tiêm liều vắc-xin bổ sung và đây là điều “không thể tránh được”.

“Có khả năng điều đó sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó trong tương lai”, ông Fauci nói với CBS News khi được hỏi về chủ đề này. Chỉ vài ngày trước đó, ông và các quan chức khác cho hay rằng việc tiêm vắc-xin bổ sung sẽ chỉ được khuyến nghị cho một số đối tượng nhất định.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với NBC News ngày 12/8, ông Fauci nói rằng “chắc chắn sẽ có lúc chúng ta phải tiêm liều bổ sung cho toàn thể người dân”.

Quyết định mới nhất sẽ áp dụng cho khoảng 3% dân số trưởng thành của Mỹ, và được đưa ra trong bối cảnh gia tăng số trường hợp nhiễm biến thể Delta, hiện chiếm ít nhất 80% số ca mắc mới tại Hoa Kỳ.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden đã cảnh báo lần đầu tiên vào tháng trước rằng những nhóm đối tượng nhất định sẽ cần phải tiêm liều vắc-xin COVID-19.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh 

Xem thêm: