Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế quan đối với hầu hết các hàng hoá còn lại của Trung Quốc nhập vào Mỹ. Ngày 5/8, tỉ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc so với đồng Đô la Mỹ đã vượt mức 7 quan trọng (tức 1 Đô la Mỹ tương đương hơn 7 Nhân dân Tệ). Việc để cho đồng Nhân dân tệ trượt giá, được coi là một biện pháp mà chính quyền Trung Quốc trả đũa đợt thuế quan mới của Mỹ. 

nhân dân tệ, tỉ giá, ngoại hối
Ngày 5/8, tỉ giá đồng Nhân dân tên của Trung Quốc so với đồng Đô la Mỹ đã vượt mức 7. (Ảnh minh hoạ từ Shutterstock)

Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ bùng nổ hơn một năm qua, thị trường vốn vẫn luôn coi việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giữ tỉ giá Nhân dân tệ ở mức 7 là giới hạn thấp nhất.

Ngày 5/8, thị trường ngoại hối đột nhiên lan truyền một thông tin bất ngờ. Tỉ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng Đô la Mỹ ở cả Trung Quốc và bên ngoài Trung Quốc đều vượt mức 7; tỉ giá thấp nhất là 1 USD tương đương với 7,1057 Nhân dân tệ. Khoảng 9:16 giờ Bắc Kinh, tỉ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng Đô la Mỹ ở thị trường nước ngoài vượt ngưỡng 7, tức 1 Đô la Mỹ tương đương với 7,0392 Nhân dân tệ. Khoảng 15 phút sau, tỉ giá đồng Nhân dân tệ trong nước Trung Quốc bắt đầu vượt ngưỡng 7, đạt mức thấp kỷ lục từ năm 2008 đến nay. 

Giao dịch đồng Nhân dân tệ phân thành thị trường trong nước (Trung Quốc) và thị trường nước ngoài. Tỉ giá thị trường trong nước chủ yếu chịu điều chỉnh của chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và môi trường kinh tế. Tỉ giá đồng Nhân dân tệ nước ngoài, không những chịu ảnh hưởng bởi chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, mà còn dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài. Nếu môi trường bên ngoài Trung Quốc có sự thay đổi, mức trượt giá của đồng Nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài thường sẽ mạnh hơn so với thị trường trong nước. 

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đều sẽ thiết lập tỉ giá hối đoái Nhân dân tệ vào mỗi sáng, và cho phép tỉ giá này dao động trong mức 2% trong ngày. Để kiểm soát biến động giá cả, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể mua vào hoặc bán ra tiền tệ, hoặc có thể ra lệnh cho các ngân hàng thương mại Trung Quốc làm như thế. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vì sao tỉ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng Đô la Mỹ lại vượt ngưỡng 7, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết: 

  • Do chịu ảnh hưởng của các biện pháp chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, và việc tăng tăng thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc, nên đồng Nhân dân tệ có sự trượt giá so với đồng Đô la Mỹ.
  • Mấy năm qua, trong quá trình ứng phó với biến động tỉ giá, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tích luỹ kinh nghiệm phong phú và nhiều công cụ chính sách, sẽ tiếp tục sáng tạo mới cũng như làm phong phú thêm các công cụ kiểm soát điều chỉnh; về việc thị trường ngoại hối có thể xuất hiện hành vi phản ứng tích cực và phản ứng xấu … có năng lực giữ tỉ giá đồng Nhân dân tệ ổn định ở mức cân bằng.

Theo Reuters đưa tin hôm 5/8, trả lời phỏng vấn, ông Quản Đào, Trưởng Phòng Thanh toán quốc tế thuộc Cục quản lý ngoại hối Trung Quốc đã phân tích và chỉ ra, hướng đi của tỉ giá đồng Nhân dân tệ trong tương lai có thể sẽ đối mặt với 3 tình thế: 

Một là “tiêu chuẩn cơ bản”, tức là nếu thị trường tin tưởng rằng chính phủ có mong muốn, có năng lực duy trì tỉ giá hối đoái ổn định, thì thị trường sẽ không chủ động tấn công loại tiền tệ này. 

Hai là “tình thế tốt”, tức là nếu các doanh nghiệp kinh tế trong nước ổn định, chỉ số đồng Đô la Mỹ yếu, tranh chấp thương mại hoà hoãn, thì sự ổn định của tỉ giá đồng Nhân dân tệ sẽ có sự hỗ trợ về cơ bản, thậm chí không loại trừ khả năng sẽ tăng giá.

Ba là “tình hình kém đi”, tức là nếu kinh tế trong nước đi xuống, chỉ số đồng Đô la Mỹ mạnh lên, tranh chấp thương mại gay gắt hơn, thì sự ổn định của tỉ giá Nhân dân tệ sẽ không được hỗ trợ từ cơ bản, lúc này là lúc cần kiểm tra các chính sách của chính phủ. 

Bên cạnh đó, việc tỉ giá Nhân dân tệ biến động, cũng làm dấy lên đồn đoán chiến tranh thương mại diễn biến thành chiến tranh tài chính (chiến tranh tiền tệ). Đàm phán thương mại Mỹ – Trung hiện đang rơi vào cục diện bế tắc, nguồn tin am hiểu về tình hình đàm phán tiết lộ, hiện vẫn chưa rõ hai nước Mỹ và Trung Quốc liệu có có muốn tiếp tục đàm phán hay không.

Ngày 5/8, tờ Wall Street Journal đưa tin, mấy ngày trước, Tổng thống Trump cho biết phạm vi tăng thuế quan sẽ bao phủ hầu hết tất cả các hàng hoá còn lại (chưa bị áp thuế) của Trung Quốc nhập vào Mỹ. Việc đồng Nhân dân tệ mất giá này có thể khiến cho chiến tranh thương mại thêm căng thẳng. Ông Trump và rất nhiều quan chức chính phủ Mỹ lâu nay vẫn chỉ trích Trung Quốc làm suy yếu đồng Nhân dân tệ, khiến cho các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở lên rẻ hơn, và có được ưu thế không công bằng trong chiến tranh thương mại. Phía Bắc Kinh lại phủ nhận việc này. Mặc dù vậy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn ám thị lần phá giá đồng Nhân dân tệ này là chính quyền Trung Quốc đang trả lời việc ông Trump hồi tuần trước tuyên bố quyết định áp thuế quan mang tính trừng phạt đối hàng hoá Trung Quốc. 

Theo trang tin tiếng Trung của Đài Phát thanh Đức (Deutsche Welle) đưa tin hôm 5/8, ông Ray Attrill – người phụ trách về chính sách ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Australia (National Australia Bank) nhấn mạnh, “hiện tại tất cả đều đang bán tháo”. Ông cho rằng, trừ phi có hành động để bảo vệ sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ, nếu không tình hình này vẫn sẽ tiếp diễn. Ông nói: “Trong thời gian ngắn, chúng ta không có quá nhiều khả năng nhìn thấy được bất cứ phương án nào có ý nghĩa để giải quyết tranh chấp thương mại.”

Tỉ giá Nhân dân tệ so với đồng Đô la Mỹ đã giảm 4% kể từ khi đạt mức cao 6,6862 vào tháng 2, điều này đúng là đã giúp cho Trung Quốc bù đắp một phần thuế quan mà Mỹ hiện đang áp dụng với hàng hoá Trung Quốc. 

Hồi tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ chưa liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ, mà chỉ cho biết cần theo dõi chặt chẽ cách làm của chính quyền Trung Quốc. Bộ Tài chính Mỹ cũng thúc giục chính quyền Bắc Kinh “có biện pháp cần thiết để tránh đồng Nhân dân tệ  suy yếu”. 

Các nhà phân tích đều phổ biến cho rằng, nền tảng của kinh tế Trung Quốc không hề chắc chắn, vẫn đối mặt với áp lực đi xuống tương đối lớn. Cộng thêm sóng gió chiến tranh thương mại đã mang đến tính không chắc chắn cho nhu cầu bên ngoài; do đó, chính sách vĩ mô của Trung Quốc vẫn cần nhiều thay đổi hơn nữa, tầng quyết sách kinh tế của Trung Quốc cần tìm cách cân bằng tăng trưởng ổn định và phòng ngừa rủi ro.

Huệ Anh

Xem thêm: