Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam – Trần Hồng Hà chấp thuận phương án cấp điện cho Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) bằng hình thức kéo cáp ngầm vượt biển mà Bộ Công thương đề xuất với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

cap ngam vuot bien cap con dao EVN cap ngam 1085652248
Bộ Công thương giữ đề xuất kéo cáp ngầm ra Côn Đảo với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Vismar UK/Shutterstock)

Ngày 15/4, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết Văn phòng Chính phủ vừa có công văn của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng ý về phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo.

Trong đó, Bộ Công thương chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu và phương án đề xuất. Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 5.000 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 22/3, Bộ Công thương có báo cáo (lần thứ hai) về dự báo nhu cầu phụ tải điện và phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo.

Tại báo cáo này, trên cơ sở nhu cầu phụ tải điện của Côn Đảo, Bộ Công thương cho biết đến năm 2035 huyện đảo này cần hơn 90MW và năm 2045 cần hơn 114MW.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng phương án tối ưu nhất là cấp điện cho Côn Đảo từ lưới quốc gia bằng tuyến cáp ngầm 110kV vượt biển.

Tổng vốn đầu tự dự kiến mà tập đoàn này đề xuất cho phương án trên là gần 5.000 tỷ đồng, với giá thành 3.690 đồng/kWh (chưa có ngân sách hỗ trợ) và 2.356 đồng/kWh (có ngân sách nhà nước hỗ trợ), theo báo Tuổi Trẻ.

Huyện Côn Đảo hiện được cấp điện từ 9 tổ máy phát điện Diesel với tổng công suất 11,82MW; trong đó công suất khả dụng là 9,7MW. Ngoài ra, huyện cũng có một số công trình điện mặt trời mái nhà.

Theo TS Vũ Minh Khương, dân số của Côn Đảo dự kiến ở mức 15.000 dân vào năm 2030. Nếu đầu tư hai tổ máy điện sinh khối với tổng công suất 20 MW (2×10 MW) chỉ mất khoảng 1.000 tỷ đồng (hơn 40 triệu USD), với giá thành điện sản xuất khoảng 2.000 đồng/kWh, theo Hội Nhà báo.

Ông Khương cho biết các nhà máy điện sinh khối này có thể dùng gỗ dăm hiện Việt Nam xuất khẩu rất nhiều cho Mỹ để dùng cho sản xuất điện sinh khối. Nhà máy điện sinh khối này cũng có thể dùng các củi rác thu gom từ rừng Côn Đảo.

Còn về an ninh quốc phòng, cấp điện tại chỗ theo nhiều nguồn là đảm bảo nhất vì cáp ngầm có thể bị phá hoại bởi rô bốt khi có xung đột xảy ra.

Ngoài ra, ông Khương cho biết các nguồn điện gió (trên bờ, ngoài khơi) điện mặt trời, điện sinh khối, điện từ sóng biển, và hệ thống trữ điện đang tăng nhanh tỷ trọng để tiến tới có thể cung cấp đủ điện tái tạo cho toàn đảo (ví dụ như đảo Jeju của Hàn Quốc, cách đất liền xa hơn Côn Đảo).

Đức Minh