Báo cáo của Công ty VIS Rating cho thấy tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam tăng lên tới 10% vào cuối tháng 3/2023, từ mức 1,2% vào tháng 9/2022. Trong đó, nhiều công ty chưa niêm yết trên sàn thuộc nhóm bất động sản có hệ số đòn bẩy cao, dòng tiền thiếu minh bạch và không đủ nguồn tiền mặt để trả nợ.

trai phieu bat dong san dao han trai phieu thi truong trai phieu 2022 2023
Năm 2023, có khoảng 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn phải trả của nhóm doanh nghiệp BĐS. (Ảnh minh họa: vinhphuc.gov.vn)

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, các doanh nghiệp nhóm bất động sản (BĐS) tiếp tục phát hành hơn 23.000 tỷ đồng (chiếm 93%) từ kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong 3 tháng đầu năm 2023.

Tuy vậy, nhà đầu tư cá nhân vẫn đang đứng ngoài kênh đầu tư này do vấn đề “khủng hoảng” niềm tin. Theo đó, gần như toàn bộ trái phiếu phát hành trong quý đầu năm (99,9%) được mua bởi nhóm nhà đầu tư tổ chức, trong đó các ngân hàng nắm giữ 77%, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đưa tin.

Báo cáo của Công ty Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đã cho thấy tỷ lệ nợ xấu TPDN đã tăng lên gần 10% tính đến tháng 3/2023, từ mức 1,2% vào cuối tháng 9/2022.

Ước tính này không bao gồm những trường hợp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu doanh nghiệp công bố trước tháng 9/2022 và các trường hợp trái phiếu vi phạm chéo điều kiện thanh toán nghĩa vụ trái phiếu.

Đáng chú ý, rất nhiều doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết thuộc các tập đoàn bất động sản lớn lớn, có đòn bẩy tài chính cao, dòng tiền hạn chế và không đủ nguồn tiền mặt để trả lãi hoặc nợ gốc trái phiếu khi đến hạn.

Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản là 17% vào cuối tháng 3/2023.

VIS Rating ước tính tổng số nợ vay của của các doanh nghiệp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán là 41.000 tỷ đồng.

Thị trường TPDN ở Việt Nam tăng nóng trong năm 2020 và 2021 với khối lượng phát hành lần lượt gần 462.000 tỷ đồng và 658.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau các vụ bắt giữ liên quan đến vi phạm trong phát hành TPDN, khối lượng phát hành năm 2022 giảm còn 255.000 tỷ đồng.

Giai đoạn này còn chứng kiến rất nhiều người dân tố ngân hàng lừa đảo, từ gửi tiết kiệm biến thành trái phiếu doanh nghiệp, điển hình như vụ liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), khoảng d4 doanh nghiệp bất động sản đã phát hành các lô trái phiếu với giá trị lớn trong 3 vừa qua, với lãi suất 6 – 13%/năm.

Đức Minh