Trong bối cảnh lực lượng lao động Trung Quốc ngày càng giảm sút nghiêm trọng do chính sách một con suốt hơn 4 thập niên qua, ngân quỹ của quốc gia này dùng để chi trả cho người về hưu sẽ cạn kiệt vào năm 2035.

quy huu tri trung quoc
Quỹ hưu trí Trung Quốc sẽ cạn kiệt vào năm 2035 và không còn đủ tiền chi trả cho người lao động về hưu (Ảnh: Xinhua)

Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, theo báo cáo của Trung tâm an sinh xã hội thế giới tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc do chính phủ tài trợ, cuối năm 2018, ngân sách Trung Quốc dùng để chi trả lương hưu đạt mức 4,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ (714 tỷ USD). Con số này dự kiến lên đến đỉnh điểm 7 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2027, nhưng sau đó 8 năm, đến 2035 sẽ về số 0.

Khoảng cách giữa số tiền đóng góp và chi trả thậm chí sẽ có thể lên tới 11 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2050, khi mà tỷ lệ người về hưu được người trong độ tuổi lao động hỗ trợ ở Trung Quốc sẽ tụt xuống mức 1:1, so với tỷ lệ hiện nay là 2 người lao động hỗ trợ một người về hưu.

Không ít người dân cũng hết sức quan ngại khi thấy hệ thống lương hưu của Trung Quốc không còn được đảm bảo chắc chắn, đặc biệt là số người trong độ tuổi lao động càng ngày càng giảm dần. Những người sinh ra trong khoảng những năm 1970 và 1980 đóng góp phần lớn số thu nhập vào bảo hiểm xã hội, nhưng có thể sẽ phải đối mặt với những thay đổi lớn của hệ thống hưu trí trong tương lai.

Số công dân Trung Quốc trên 60 tuổi, tuổi nghỉ hưu theo quy định mà nam giới được chi trả tiền lương hưu, đã đạt mức 249 triệu người vào cuối năm 2018, chiếm khoảng 18% tổng số dân, cũng gần bằng 3/4 dân số nước Mỹ.

Dân số Trung Quốc ngày càng trở nên già hóa, trong khi nỗ lực của chính phủ trong việc đẩy mạnh tỷ lệ sinh trong những năm gần đây không có mấy hiệu quả. Chỉ có 15,23 triệu trẻ em chào đời ở Trung Quốc trong năm 2018, mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc nới lỏng chính sách sinh một con vào năm 2014 cho phép các cặp vợ chồng sinh thêm con thứ hai.

Quy định an sinh xã hội Trung Quốc yêu cầu người sử dụng lao động đóng đến 20% số lương của nhân viên, và mỗi người lao động phải đóng 8% lương vào quỹ lương hưu. Nhưng trong khi tỷ lệ đóng góp cố định, nhiều doanh nghiệp lại “lách luật” bằng cách chỉ đăng ký số tiền trả lương thấp để phải đóng khoản tiền này thấp hơn.

Năm 2018, Bắc Kinh tuyên bố trực tiếp giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo lượng tiền đóng góp đầy đủ vào quỹ hưu trí. Tuy nhiên chính sách này tạm thời phải dừng lại ngay lập tức để giúp các doanh nghiệp nhỏ tồn tại trong thời kỳ suy thoái kinh tế và tăng trưởng chậm do chiến tranh thương mại với Mỹ.

Tháng trước, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc thông báo cắt giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động xuống còn 16%, nhằm giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp, bất chấp việc này sẽ làm giảm nguồn thu vào quỹ hưu trí của chính phủ.

Hồi năm ngoái, quỹ hưu trí nhiều vẫn còn dồi dào do các khoản đóng góp vượt quá số tiền chi trả lương hưu. Nhưng đến nay các dấu hiệu căng thẳng đã bắt đầu xuất hiện, một số tỉnh đã phải vật lộn để có tiền chi trả lương hưu.

Chính quyền trung ương đã thành lập một quỹ đặc biệt vào tháng 7/2018 để chuyển các khoản thu từ các tỉnh ven biển giàu có như Quảng Đông đến những tỉnh nghèo hơn như Liêu Ninh, nơi có tỷ lệ người về hưu cao. Bắc Kinh cũng cân nhắc một số biện pháp khác, như tăng tuổi về hưu của nam và nữ.

Tuy nhiên theo một số chuyên gia, những chính sách này chưa hẳn đã mang đến hiệu quả tích cực. Liu Xuezhi, nhà nghiên cứu tại Thượng Hải cho rằng chính phủ cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho quỹ hưu trí hơn là tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Chuyên gia kinh tế Wang Jun cũng nhìn nhận, bên cạnh việc yêu cầu các công ty đóng góp nhiều hơn vào hệ thống hưu trí, cần bổ sung thêm một số biện pháp khác. Chẳng hạn như Trung Quốc hiện đang dự trữ 3,1 nghìn tỷ USD ngoại hối và số tiền này có thể được trích một phần để trả cho người về hưu.

Trước thực trạng này, nhiều người dân Trung Quốc cũng đang dần dần tìm giải pháp cho bản thân khi vấn đề quỹ hưu trí bị cạn kiệt. Yang Bing, một kỹ sư 41 tuổi ở Bắc Kinh, nói quỹ hưu trí sắp cạn kiệt trong thập niên tới nghĩa là anh phải “làm việc vất vả hơn và tiết kiệm nhiều hơn”. “Tốt hơn là nên tự chuẩn bị cho mình trong tương lai, thay vì chờ đợi vào chính phủ”, Yang cảm thán.

Hoàng Giang (Theo SCMP)

Xem thêm: