Quý 2/2022, Hàng không Vietnam Airlines tiếp tục lỗ trước thuế 2.475 tỷ đồng, đây là quý thứ 10 lỗ liên tiếp của hãng dù thị trường bay nội địa đã phục hồi nhanh chóng. Theo đó, vốn chủ sở hữu đã âm hơn 4.900 tỷ đồng vào ngày 30/6/2022.

Vietnam Airlines lỗ quý thứ 10 liên tiếp 660078817
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ 5.100 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 4.900 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: EQRoy/Shutterstock)

Kể từ khi gỡ bỏ các lệnh hạn chế phòng ngừa COVID-19, thị trường bay nội địa phục hồi nhanh chóng khiến doanh thu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tăng lên 18.430 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, chi phí tài chính tăng vọt từ 422 tỷ đồng lên 1.150 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng gấp 2 lần, lên 660 tỷ đồng,… đã làm cho hãng bay này vẫn đưa ra kết quả lỗ trước thuế 2.475 tỷ đồng, tương đương quý thứ 10 liên tiếp hoạt động thua lỗ.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, hãng Vietnam Airlines lỗ hơn 5.100 tỷ đồng, ít hơn cùng kỳ năm ngoái 3.300 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 30/6/2022, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines là khoảng 28.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,23 tỷ USD). Đồng thời, vốn chủ sở hữu âm hơn 4.900 tỷ đồng, cao hơn 2.700 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý 1 năm nay.

Theo kế hoạch năm 2022, doanh thu công ty mẹ dự kiến đạt 45.252 tỷ đồng nhưng số lỗ ròng dự kiến lên tới 9.335 tỷ đồng.

Với kết quả trên, nguy cơ bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán của Vietnam Airlines ngày càng đến gần.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ hoặc âm vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất tại thời điểm xem xét.

Trong khi đó, hãng Hàng không Vietjet Air chưa công bố báo cáo tài chính quý 2. Tuy vậy, trong 3 tháng đầu năm 2022, Vietjet Air có lãi sau thuế hơn 244 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ quý 1 năm 2021 (lãi sau thuế đạt 123 tỷ đồng).

Kiến Minh