Theo dữ liệu của Intercontinental Exchange Group (ICE), vòng trừng phạt mới của phương Tây có thể khiến xác suất vỡ nợ của Nga trong 5 năm tới tăng lên gần 90%.

shutterstock 239972821
(Ảnh minh họa: zimmytws / Shutterstock)

Trong cùng ngày 5/4, cả châu Âu và Mỹ đã công bố một vòng trừng phạt mới đối với Nga.

Ngày 5/4, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) Ursula Gertrud von der Leyen cho biết, trong ngày Ủy ban EU đã đề xuất một vòng trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga và lệnh cấm tàu ​​Nga vào các cảng của EU. Nhưng kế hoạch trừng phạt này cuối cùng sẽ cần được 27 nước thành viên EU nhất trí thông qua.

Cùng ngày, Mỹ cũng công bố kế hoạch áp đặt một vòng trừng phạt mới lên Nga. Không giống như EU, các lệnh trừng phạt của Mỹ chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tài chính của Nga. Ngày 5/4, người phát ngôn Jen Psaki của Nhà Trắng cho biết, hôm 6/4 lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến các thành viên chính phủ, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp Nga sẽ được công bố. Theo đó, Mỹ sẽ cấm Nga trả khoản nợ trái phiếu chính phủ (sovereign debt) của Nga thông qua các ngân hàng của Mỹ, nâng tỷ lệ vỡ nợ của Nga trong 5 năm tới lên khoảng 90%.

Theo Bloomberg, dữ liệu của Intercontinental Exchange Group (ICE) phân tích thị trường tín dụng cho thấy, giá mua bảo hiểm chống vỡ nợ của Nga từ mức 77,7% vào ngày 4/4 đã tăng lên 87,7% vào ngày 5/4, cao hơn nhiều so với mức 24,1% vào ngày 24/2 khi Nga tấn công Ukraine.

Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt nhưng Nga vẫn có thể trả lãi bằng ngoại tệ cho nợ quốc gia bằng trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên vào tối ngày 4/4, Bộ Tài chính Mỹ bất ngờ thông báo cấm JPMorgan Chase chuyển tiền cho khoản thanh toán nợ trái phiếu bằng USD mới nhất của Nga, động thái này sẽ ngăn Chính phủ Nga sử dụng hơn 600 triệu USD dự trữ ngoại hối gửi tại Mỹ để chi trả lãi trái phiếu Chính phủ Nga.

Phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ cho biết động thái này sẽ càng làm tiêu hao nguồn lực chiến tranh của Nga và làm hệ thống tài chính của Nga chịu thêm nhiều bất ổn hơn.

Các lệnh trừng phạt quốc tế đã đóng băng gần một nửa trong số 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga ở châu Âu và Mỹ, nhưng trước đó Bộ Tài chính Mỹ đã cho phép Chính phủ Nga sử dụng nguồn tiền này để trả lãi cho các khoản nợ bằng USD, nhưng giới hạn tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Vào ngày 4/4, Nga đã phải trả 552,4 triệu USD tiền nợ gốc trái phiếu đến hạn vào năm 2022 và 84 triệu USD tiền lãi cho một khoản nợ trái phiếu Chính phủ Nga tính theo USD. Nhưng ngày 3/4 vừa qua, quân đội Nga bị cáo buộc thảm sát thường dân ở thị trấn Bucha của Ukraine, khiến châu Âu và Mỹ chuẩn bị thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Giám đốc đầu tư tại TwentyFour, ông Gary Kirk cho biết, thông báo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ nhằm tạo thêm áp lực lên Nga, khiến các phương thức thanh toán thay thế trở nên khó khăn hơn đối với Nga, làm tăng khả năng Nga vỡ nợ. Chuyên gia chiến lược Timothy Ash của công ty quản lý tài sản BlueBay Asset Management cũng cho biết, Nga phải quyết định xem có nên tránh vỡ nợ nước ngoài hay không, nếu bỏ mặc để vỡ nợ thì Nga có thể phải đối mặt với hậu quả kinh tế tồi tệ trong vài năm tới. Ông cho rằng trừ khi Nga rút quân khỏi Ukraine, nếu không chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi số phận vỡ nợ, Chính phủ Nga có thể vận chuyển một số lượng lớn USD và vàng sang phương Tây bằng các phương tiện giao thông như máy bay, nhưng ngay cả khi họ làm được như vậy thì có lẽ không có ngân hàng nào sẵn sàng cung cấp dịch vụ quyết toán.

Theo Đài VOA Mỹ đưa tin ngày 5/4, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng ngay cả khi không có kết nối với Mỹ thì các công ty nước ngoài vẫn có thể bị Chính phủ Mỹ trừng phạt vì một số hoạt động kinh doanh nhất định, thường được gọi là “biện pháp trừng phạt thứ cấp” (secondary sanctions). Chuyên gia Brian O’Toole nói rằng nếu một công ty nước ngoài kinh doanh với mục tiêu bị trừng phạt để hỗ trợ họ né tránh các lệnh trừng phạt thì pháp nhân nước ngoài đó thường cũng là mục tiêu của lệnh trừng phạt. Ông Brian O’Toole là thành viên thỉnh giảng tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), là cố vấn cấp cao cho Văn phòng Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ từ năm 2009 – 2017.

Về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, ông nói: “Nếu chính quyền Biden muốn sử dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp thì luật liên quan đã có sẵn. Đạo luật trừng phạt của các nước nguy hiểm đối với Mỹ (CAATSA) được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2017 yêu cầu tổng thống phải áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt thứ cấp nào đối với những thực thể hỗ trợ các cá nhân và pháp nhân Nga đã bị trừng phạt.”