Công ty Chứng khoán (CTCK) Tân Việt bất ngờ thông báo đến nhà đầu tư về việc tạm ngừng cung cấp dịch vụ ứng tiền bán trước chứng khoán kể từ ngày 10/10, chưa có thời gian cụ thể mở lại. Trong nửa đầu năm 2022, CTCK Tân Việt vượt lên dẫn đầu thị phần giao dịch trái phiếu chỉ sau khoảng 3 năm đi vào hoạt động.

chứng khoán lao dốc Tân Việt Công ty chứng khoán
Chỉ số VN-Index mở cửa đầu tuần tiếp tục sụt giảm về ngưỡng 1.000 điểm, dòng tiền đổ vào yếu với áp lực bán cao. (Ảnh chụp màn hình/CafeF.vn)

Theo đó, CTCK Tân Việt cho biết tình hình không thuận lợi trên thị trường khiến công ty quyết định từ ngày 10/10 sẽ tạm ngừng dịch vụ này cho tới khi có thông báo mới.

Hiện nay, chu kỳ thanh toán trên các sàn giao dịch chứng khoán chính tại Việt Nam là T+2, đồng nghĩa với việc lệnh bán đã khớp nhưng phải chờ đến 16h30 vào 2 ngày làm việc sau đó thì tiền mới về tài khoản của nhà đầu tư.

Do đó, các công ty chứng khoán thường cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán cho khách hàng (hỗ trợ cho vay vốn ngắn hạn), kèm theo lãi suất. Nhờ khoản tiền được ứng trước, khách hàng có thể mang đi mua thêm chứng khoán, hoặc rút tiền ra để phục vụ mục đích khác.

Bên cạnh đó, CTCK Tân Việt cho hay các dịch vụ khác như: mở tài khoản, lưu ký chứng khoán, giao dịch cổ phiếu/chứng chỉ quỹ, quản lý cổ đông,… diễn ra bình thường. Các hoạt động của hệ thống giao dịch qua website và app của công ty này vẫn hoạt động.

Ông Nguyễn Việt Cường vừa được bổ nhiệm sau sự việc ông Nguyễn Tiến Thành – Chủ tịch HĐQT Tân Việt đột ngột qua đời hôm 6/10. Được biết, ông Thành còn là thành viên HĐQT độc lập Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) từ 4/2017 và Chủ tịch Ủy ban quản lý rủi ro của ngân hàng.

Điểm nổi bật trong nửa đầu năm của CTCK Tân Việt là leo lên vị trí số 1 trên thị trường (trong khi mới hoạt động từ năm 2019), giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp tự giao dịch tổng cộng gần 1,3 tỷ trái phiếu với giá trị tương đương hơn 125.000 tỷ đồng (xấp xỉ 5,2 tỷ USD).

Thêm vào đó các nhà đầu tư có tài khoản tại công ty này cũng giao dịch tới 2,2 tỷ trái phiếu với giá trị hơn 123.000 tỷ đồng (hơn 5,1 tỷ USD).

Trước đó, CTCK Kỹ Thương (TCBS) dẫn đầu thị trường này nhưng đã rớt xuống vị trí thứ 2, số liệu nửa đầu năm cho thấy TCBS vẫn tự giao dịch hơn 1,18 tỷ trái phiếu với giá trị gần 120.500 tỷ đồng và các nhà đầu tư của TCBS chỉ giao dịch 277 triệu trái phiếu với giá trị 28.100 tỷ đồng.

Một đơn vị khác là CTCK VNDirect giao dịch khoảng 294 triệu trái phiếu có giá trị tương đương 34.364 tỷ đồng hay Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng chỉ tự giao dịch hơn 391 triệu trái phiếu với giá trị gần 41.200 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Về kinh doanh, theo báo cáo tài chính bán niên 2022, CTCK Tân Việt đạt hơn 1.700 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp còn lãi ròng sau thuế hơn 275 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến ngày cuối quý 2 năm nay, Chứng khoán Tân Việt có tổng tài sản hơn 9.200 tỷ đồng, tăng 38% so với hồi đầu năm. Tuy vậy, khoản nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng 72% lên hơn 5.400 tỷ đồng, nhiều hơn vốn chủ sở hữu (3.800 tỷ đồng).

Sáng ngày 10/10, chỉ số VN-Index tiếp tục đà lao dốc về ngưỡng 1.000 điểm, hiện đang giao dịch quanh mốc 1.035 điểm, giảm 3,5% so với giá mở cửa đầu tuần.

Tuấn Minh