Cuối ngày 15/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Điều này được cho là để quản lý chặt chẽ hoạt động của ngân hàng này hơn sau khi thông tin tiêu cực xuất hiện khiến hàng loạt người dân đến SCB rút tiền từ hôm 8/10.

scb7
Ngân hàng SCB bị kiểm soát đặc biệt sau 1 tuần xảy ra tình trạng hàng loạt người dân rút tiền. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Theo đó, hoạt động của SCB được thực hiện dưới sự kiểm soát của NHNN. Cơ quan này cho biết sẽ lựa chọn, chỉ định những người có “kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn” từ các ngân hàng thương mại nhà nước gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.

“Việc NHNN kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng”, cơ quan quản lý cho biết.

Đáng chú ý, ngân hàng SCB đã nâng lãi suất huy động tiền gửi lên mức gần 9%/năm để thu hút nguồn vốn từ người dân, trở thành một trong những ngân hàng có biểu lãi suất cao nhất hệ thống.

Cụ thể, ngân hàng SCB niêm yết lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất ở mức 8,25%, với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Bên cạnh đó, lãi suất sẽ dao động từ 5% – 6,9% tương ứng với kỳ hạn thấp nhất từ 1 tháng đến 11 tháng.

Đối với hình thức gửi tiền trực tuyến (online), bảng lãi suất tăng nhanh từ kỳ hạn 6 tháng trở lên. Theo đó, người gửi tiền nhận mức lãi suất dao động từ 7,95% (6 tháng) – 8,9% (36 tháng). Còn với kỳ hạn từ 7 tháng trở lên, SCB đã đồng loạt nâng lãi suất lên trên 8%/năm.

Trước đó, ông Nguyễn Tiến Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Tân Việt (thành viên HĐQT độc lập của ngân hàng SCB) đột ngột qua đời vào đêm 6/10.

Kế đến, ngày 8/10, bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt vì có cáo buộc vi phạm liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu, chiếm đoạt bất hợp pháp số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, theo Bộ Công an.

Công ty An Đông nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tính trong 2 năm (2018 và 2019) đã huy động trái phiếu từ nhà đầu tư lên tới 25.000 tỷ đồng, gần gấp 3 lần vốn chủ sở hữu của công ty này là khoảng 9.000 tỷ đồng.

Tâm lý lo lắng càng dấy lên khi từ sáng tới chiều 8/10, liên tiếp các thông tin trấn an từ Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… tới tin khởi tố từ phía Bộ Công an.

Chị P.T.H (Hà Nội) cho biết vào lúc 7h sáng, cửa chi nhánh ngân hàng SCB trên đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chưa mở, hàng chục người đã đứng ngồi tràn từ vỉa hè xuống lòng đường, đợi vào rút tiền tiết kiệm. Người đợi rút tiền có đủ tầm tuổi, từ người trẻ tới trung niên, người già.

Không còn là người ngoài cuộc, cô M.H (TP.HCM) thấp thỏm với số tiền vài trăm triệu gửi tiết kiệm tại SCB. Thu xếp việc xong, tầm 9h, cô H. ra chi nhánh SCB trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp (TP.HCM) để rút toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm.

Nhận số thứ tự, tới lượt vào quầy tiếp, cô H. được nhân viên tư vấn hỏi cô nghe tin gì mà tới rút tiền, rút tiền mặt hay chuyển khoản, khuyên cô tạm đừng rút… “Lúc cô ngồi ghế, quá trời người đợi mà mỗi người lên quầy ngồi nửa tiếng chưa xong. Rồi lúc mình lên mới biết thì ra là họ tư vấn. Người nào cương quyết thì mới cho rút, còn người nào xuôi xuôi thì thôi”, cô H. nói.

Đến nay, số lượng người dân đến ngân hàng SCB rút tiền đã giảm và ngân hàng này cho biết đã huy động lại hơn 6.000 đồng vào ngày 12/10.

Theo báo Tuổi trẻ, ông Thành còn là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong quá trình hoạt động, Chứng khoán Tân Việt và SCB có nhiều mối quan hệ hợp tác với nhau.

Hồi đầu tháng 3/2022, SCB đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Tân Việt (TVFM) cam kết ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau. SCB là đối tác ưu tiên của TVFM trong việc cung cấp những sản phẩm dịch vụ trong các giao dịch huy động vốn, thu xếp tài chính trong và ngoài nước, giao dịch đầu tư, hợp tác đầu tư…

Đức Minh