UBND tỉnh Bình Định vừa đề xuất Bộ Công thương về chủ trương đầu tư dự án sản xuất điện gió của Tập đoàn Pure New Energy (PNE, Đức). Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 6 tỷ USD, dự kiến công suất đạt 2.000 MW từ năm 2027.

du an dien gio dien gio ngoai khoi tinh binh dinh tap doan PNE dau tu dien gio shutterstock 1931190836
Theo UBND Bình Định, Tập đoàn PNE đang xúc tiến đầu tư dự án điện gió với tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD, công suất đạt 2.000 MW từ năm 2027. (Ảnh minh họa: HeiSpa/Shutterstock)

Ngày 13/4, ông Nguyễn Phi Long – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định làm việc với Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An về đề xuất chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tại địa phương này.

Theo đó, Tập đoàn PNE dự kiến đầu tư khoảng 6 tỷ USD cho dự án điện gió công suất 2.000 MW tại Bình Định và chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn thử nghiệm với công suất 700 MW, đưa vào vận hành vào năm 2025; giai đoạn mở rộng 1, đầu tư thêm 700 MW đưa vào vận hành vào năm 2026 và giai đoạn mở rộng 2 với công suất 600 MW, đưa vào vận hành từ năm 2027.

Ông Long cho biết khu vực khảo sát và đề xuất bổ sung quy hoạch dự án có diện tích khoảng 96.470 ha, chủ yếu là trên mặt nước biển, do đó không chồng lấn với các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trước đó.

UBND tỉnh Bình Định cho hay đã đồng ý chủ trương để Tập đoàn PNE khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió và đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển ở huyện Phù Cát, Phù Mỹ. Tỉnh này cho biết đã trình Thủ tướng xin bổ sung dự án nhà máy điện gió ngoài khơi trên vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII).

Về vấn đề này, ông An đánh giá tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài hơn 134 km, thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi. Theo ông An, dự án này có quy mô đầu tư lớn và sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, Bộ Công thương ủng hộ việc Bình Định hợp tác triển khai dự án với Tập đoàn PNE.

Hồi tháng 1/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670 MW (tăng 3.420 MW so với năm 2020), chiếm tỷ trọng 27% toàn mạng lưới.

Theo EVN, lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đến từ các nguồn gồm: Nhiệt điện than đạt 28,37 tỷ kWh, chiếm 45%; thủy điện đạt 16,48 tỷ kWh, chiếm 26,1%; tuabin khí đạt 7,56 tỷ kWh, chiếm 12%; năng lượng tái tạo đạt 10,01 tỷ kWh, chiếm 15,9% (điện gió đạt 2,95 tỷ kWh, điện mặt trời đạt 6,86 tỷ kWh, điện sinh khối đạt 0,2 tỷ kWh).

Tuyết Minh