Hàng giả, hàng nhái là nỗi đau nhức nhối vẫn hiện hữu tràn lan trên thị trường Việt Nam. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt bức xúc vì khó lòng xây dựng được thương hiệu uy tín và hoạt động lâu dài nếu không sớm có biện pháp xử lý.

Nguon Tong cuc quan ly thi truong TPHCM
Chiếc xe tải biển số 89C-196.39 chở hàng ngàn sản phẩm là vật tư y tế, tông- đơ cắt tóc không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị Đội QLTT số 1 kiểm tra hôm 14/9. (Nguồn: Tổng cục quản lý thị trường TP.HCM)

Ngày 15/12, theo tạp chí Hải quan Online đưa tin, buổi Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng” đã nêu ra một số thực trạng của việc tràn lan hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp tham dự Tọa đàm, bà Vũ Thị Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thẳng thắn chỉ ra: “Trên mạng xã hội việc buôn bán hàng giả khá tùy tiện, việc quảng cáo hàng giả một cách liều lĩnh, thản nhiên… Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp hội viên rất bức xúc vì thiệt hại lớn do không bán được hàng, bị mất uy tín, thương hiệu… điều này có thể khiến doanh nghiệp phá sản. Nguy hiểm hơn, nếu không kiểm soát, xử lý được vấn đề hàng giả, hàng nhái có nguy cơ làm triệt tiêu hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chân chính trong nước”.

Trong khi nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi để giành được niềm tin của người tiêu dùng thì một bộ phận doanh nghiệp sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng lậu làm cho người tiêu dùng phải lo lắng và hoang mang khi lựa chọn sản phẩm trên thị trường. Cũng không ít trường hợp khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái nhưng lại gọi điện đến công ty chính hãng để phàn nàn và khiếu nại về chất lượng sản phẩm.

Mới đây, hôm 15/12, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Ninh đã kiểm tra và tạm giữ trên 5.000 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm là nước hoa, son môi, kem mắt, nước hoa hồng… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu: Versace, Gucci, Armani, Calvin Klein,…

Theo thống kê trên www.bacninh.dms.gov.vn, trong 10 tháng đầu năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã kiểm tra 472 vụ, phát hiện và xử lý 289 vụ vi phạm, tổng tiền thu nộp ngân sách, trị giá hàng tiêu hủy, tồn kho 10 tháng đầu năm 2021 của Cục QLTT Bắc Ninh hơn 9 tỷ đồng.

Trước đó, trong lĩnh vực y tế cũng tràn lan sản phẩm hàng giả, hàng nhái khiến người tiêu dùng ngao ngán, bởi vì các sản phẩm y tế không đúng chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân và người tiêu dùng. Điển hình là mặt hàng khẩu trang giả, đồ bảo hộ y tế giả, v..v..

Tháng 8/2021, Cục quản lý thị trường TP.HCM cho biết, đã kiểm tra và thu giữ 3.000 bộ đồ bảo hộ không hiệu, do Trung Quốc sản xuất, 145.000 cái găng tay cao su không rõ nguồn gốc xuất xứ (thùng chứa hàng và bao bì ny-lon đựng sản phẩm không có bất kỳ thông tin nào thể hiện tên, địa chỉ nhà sản xuất/chịu trách nhiệm về hàng hóa).

Tháng 9/2021, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện tạm giữ 450 máy đo nồng độ oxy trong máu nhập lậu.

Bà Vũ Thị Kim Hạnh cũng chia sẻ, ngân sách chi tiêu của người tiêu dùng đang giảm sút cũng khiến họ sẵn sàng chấp nhận mua những mặt hàng giả này vì giá thấp hơn, bề ngoài lại rất giống hàng thật. “Một thời gian nữa thực trạng này sẽ giết luôn những doanh nghiệp làm ăn thật thà. Nói cho cùng, sẽ giết luôn nền sản xuất nội địa. Khi thị trường trong nước tràn ngập hàng nhập, xuất khẩu lại hạn chế trong khâu làm việc với các đầu mối hay rất kém về tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ bức bối cả trên thị trường nội địa lẫn ở thị trường xuất khẩu nước ngoài”, bà Hạnh lo lắng.

Quang Minh (t/h)

Xem thêm: