Các nước khu vực Đông Nam Á đang theo dõi thận trọng diễn biến cuộc thương chiến giữa Washington và Bắc Kinh, bên cạnh những quan ngại là một mối lợi tình cờ lớn cho các quốc gia trong khu vực, khi xu hướng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc của các công ty đang ngày một gia tăng theo cấp độ các đòn trừng phạt thuế.

chien tranh thuong mai
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Thay thế vai trò của Trung Quốc

Với việc chính quyền tổng thống Donald Trump liên tục áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc, nhiều công ty toàn cầu đã phải tính đến việc cơ cấu lại hoạt động sản xuất của họ ở Trung Quốc. Một lựa chọn thay thế chính là khu vực lân cận – các nước ASEAN, với chi phí lao động thấp hơn và cũng là một khu vực kinh tế năng động trên thế giới.

Giới quan sát đang theo dõi sát sao cuộc họp được mong đợi giữa Mỹ – Trung, khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập sẽ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào ngày 30/11 và 01/12 tới. Tuy nhiên, theo chuyên gia của công ty tư vấn Bain&Co, dù diễn biến của cuộc gặp Trump – Tập ra sao thì việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ vẫn diễn ra.

Quá trình dịch chuyển đó bởi hai lý do. Thứ nhất, sự dịch chuyển các nhà máy sản xuất đã đang diễn ra và kinh nghiệm mà các công ty đã có ở Việt Nam và Thái Lan là khá tích cực. Thứ hai là việc đa dạng hóa rủi ro trong kinh doanh là điều cần thiết.

Theo dự đoán của Bain&Co, khi các công ty xem xét chuyển chuỗi cung ứng của họ sang Đông Nam Á, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực này sẽ trang bị nhiều công nghệ hơn vào hoạt động sản xuất thường nhật. Điều này có thể tạo ra cơ hội trị giá ngàn tỷ USD.

Khối kinh tế năng động nhất toàn cầu

ASEAN, tức hiệp hội các nước thuộc khu vực Đông Nam Á là khối kinh tế có nhiều triển vọng với dân số đông. Tính đến ngày 27/11/2018, dân số khu vực này khoảng hơn 650 triệu người, chiếm 8,59% dân số thế giới.

Đây là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới, với tốc độ tăng trưởng bình quân 4,5% – 5%, thu hút nhiều luồng vốn đầu tư nước ngoài.

Chuyên gia của Bain&Co đánh giá mỗi quốc gia trong khu vực ASEAN đều có những nét đặc thù riêng biệt. Chẳng hạn, Thái Lan mạnh về lĩnh vực tự động hóa. Trong khi Việt Nam có thế mạnh trong các lĩnh vực may mặc và thiết bị điện tử.

Ngoài ra, nhu cầu nội địa hóa mạnh mẽ của các quốc gia ASEAN và sự bùng nổ của nền kinh tế Internet trong khu vực sẽ tạo cơ hội cho các công ty sản xuất và các lĩnh vực ứng dụng công nghệ.

Theo một nghiên cứu gần đây của Google và Temasek, nền kinh tế Internet của khu vực ASEAN đã tăng trưởng đáng kể, dự đoán sẽ vượt 240 tỷ USD vào năm 2025. Số lượng người dùng internet của khu vực này đã tăng mạnh từ 260 triệu năm 2015 đến 350 triệu hiện nay. Hầu hết người dùng đều tiếp cận internet qua thiết bị điện thoại thông minh, khác với người dùng ở các nước phương Tây chủ yếu tiếp cận internet qua các thiết bị thu phát cố định như tại nhà hay laptop.

Tiềm năng lớn về thương mại điện tử

Sự phát triển rộng rãi của Internet đã tạo tiền đề cho thương mại điện tử tăng trưởng nhanh chóng tại Đông Nam Á. Dự báo năm 2018, thương mại điện tử trong khu vực sẽ đạt 23 tỷ USD và sẽ vượt quá 100 tỷ USD vào năm 2025 cùng với niềm tin tiêu dùng tăng lên.

Theo ông Ananda, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á của Google: “Năm nay, công nghiệp thương mại điện tử đã tăng trưởng hơn 100% và chúng tôi có 120 triệu khách hàng online với ba ông lớn Shopee, Tokopedia và Lazada, chiếm lĩnh 70% thị phần.”

Đi cùng với sự phát triển của Internet và sự bùng nổ của các start-up công nghệ, luồng vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực công nghệ cũng tăng theo.

Theo một báo cáo năm 2016 của 2 tổ chức này, một mối quan ngại đáng kể đối với khu vực ASEAN là sự thiếu hụt nguồn vốn để phát triển các công ty công nghệ.

Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, nguồn vốn đổ vào khu vực này là khoảng 24 tỷ USD, trong khi các nhà phân tích ước tính phải trong vòng một thập kỷ mới đạt được một nửa số vốn đó. Chỉ riêng trong nửa năm 2018, số vốn huy động được đã là 9 tỷ USD. Nguồn vốn chủ yếu tập trung vào các công ty công nghệ trẻ.

Theo CNBC,
Liên Hương

Xem thêm: