Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang có lượng tiền gửi ngân hàng hơn 33.000 tỷ đồng. ACV công bố lãi tiền gửi ngân hàng giúp công ty thoát lỗ cả năm.

shutterstock Duc Huy Nguyen 2
Máy bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam và xe phục vụ mặt đất của hãng này tại Sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Duc Huy Nguyen/Shutterstock)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của ACV, doanh thu đạt 960 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2020 (doanh thu đạt hơn 1.719 tỷ đồng).

Cùng quý IV, hoạt động kinh doanh chính của ACV ghi nhận thêm một khoản lỗ gộp gần 63 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi dương 176 tỷ đồng.

Trong bối cảnh này, ACV đang phải sống nhờ nguồn thu từ hoạt động tài chính, mà chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng. Còn mảng kinh doanh chính là hoạt động vận tải, dịch vụ hàng không đang thua lỗ.

Theo đó, trong quý IV/2021, doanh thu mảng hoạt động tài chính mang về cho ACV 959 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là lý do chính giúp ACV vẫn báo lãi trước và sau thuế, bất chấp hoạt động kinh doanh chính lỗ gộp và tổng chi phí phát sinh trong quý IV tăng 155%, lên mức 418,4 tỷ đồng khi công ty này trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các hãng hàng không gần 350 tỷ đồng.

Cụ thể, tổng công ty này thu về 408 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý IV, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau khi trừ thuế của ACV quý IV đạt 333 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo tài chính, ngoài hàng trăm tỷ đồng thu về từ tiền lãi gửi ngân hàng, kết quả hoạt động tài chính quý IV/2021 của tổng công ty còn có sự đóng góp của hơn 522 tỷ đồng do tăng lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ. Đây cũng là nguyên nhân giúp doanh thu hoạt động tài chính của ACV tăng mạnh trong quý IV và cả năm 2021.

Lũy kế cả năm 2021, nhà quản lý và vận hành 21 sân bay này ghi nhận 4.758 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 39% so với năm 2020 (doanh thu đạt hơn 7.769 tỷ đồng). Tương tự quý IV, tính trong cả năm 2021, ACV cũng kinh doanh dưới giá vốn với mức lỗ gộp là 686 tỷ đồng.

Tuy vậy, doanh thu hoạt động tài chính lũy kế năm 2021 đạt hơn 3.250 tỷ đồng, với đóng góp lớn nhất từ lãi tiền gửi ngân hàng (1.742 tỷ đồng) và một phần từ lãi chênh lệch tỷ giá (1.408 tỷ đồng) đã giúp lợi nhuận trước thuế cả năm của ACV vẫn đạt 1.019 tỷ đồng.

Sau khi trừ thuế, lãi ròng tổng công ty này thu về trong năm 2021 là 830 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2020. Đây là mức lợi nhuận ròng thấp nhất của ACV trong hơn một thập niên trở lại đây.

Chính khoản tiền gửi khổng lồ nói trên mà hàng năm ACV đều thu về hàng nghìn tỷ đồng tiền lãi từ hoạt động tài chính. Những doanh nghiệp có tới cả chục nghìn tỷ tiền mặt (các khoản tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn) đều là những doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực quan trọng của Việt Nam từ hàng không, năng lượng, hàng tiêu dùng, bất động sản đến sắt thép như: ACV, Tổng công ty Khí Việt Nam (Petrovietnam Gas), Vingroup, Vinamilk, Petrolimex, Sabeco, FPT, VEAM, Tập đoàn Cao su,…

Mới đây, đến quý cuối cùng của năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức đứng đầu bảng các doanh nghiệp có lượng tiền gửi ngân hàng cao nhất. Nếu như cuối năm 2019, Hòa Phát mới chỉ có chưa tới 6.000 tỷ đồng tiền gửi thì đến cuối quý 2/2021 con số này đạt 32.000 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2021, lượng tiền mặt gửi ngân hàng của Hòa Phát đã lên tới 40.700 tỷ. Nguyên nhân được cho là doanh nghiệp này hưởng lợi từ việc giá thép bán ra tăng mạnh trong năm vừa qua, theo trang CafeF.

ACV và Petrovietnam Gas đứng vị trí thứ 2 và thứ 3 với lượng tiền lần lượt là 33.300 tỷ và 30.100 tỷ đồng.

Quang Minh

Xem thêm: