Cơ quan thuế sẽ yêu cầu cung cấp tài khoản đối với vụ việc, đối tượng cụ thể theo trình tự, không yêu cầu ngân hàng cung cấp toàn bộ tài khoản cũng như số dư thanh toán của tất cả khách hàng – Tổng Cục thuế giải thích khi Nghị định 126 chỉ còn 3 ngày là có hiệu lực, dù điều này thực tế không thay đổi tính chất can thiệp vào thông tin khách hàng.

thu thue thuong mai dien tu
Một Vlogger quảng cáo sản phẩm qua ứng dụng công nghệ. (Ảnh minh họa: Fizkes/Shutterstock)

Tại cuộc họp báo chiều 1/12, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết sắp tới ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin về số tài khoản, ngày mở, ngày đóng tài khoản của khách hàng, theo Nghị định 126/2020.

Lộ trình là cơ quan thuế sẽ bố trí nhân sự phụ trách việc theo dõi các cá nhân, đơn vị thường xuyên hoạt động kinh doanh trên nền tảng số và yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của các cá nhân, đơn vị này.

Ông Minh cho biết việc quy định ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cá nhân sẽ phục vụ để giám sát các giao dịch xuyên biên giới của Google, Facebook, Amazon, Youtube… về Việt Nam. Khi tài khoản giao dịch của người Việt phát sinh, nhưng cá nhân hoặc doanh nghiệp không nộp đúng, đủ, cơ quan thuế có quyền yêu cầu cá nhân người nộp thuế chịu trách nhiệm và cưỡng chế, truy thu bằng các biện pháp khác nhau.

“Chúng tôi không quản lý tài khoản tiền gửi, bởi tài khoản tiền gửi không phát sinh thanh toán, không bị luật pháp đánh thuế. Chúng tôi chỉ nhận tài khoản định danh của cá nhân nhằm quản lý thuế đúng, đủ”, ông Minh nói.

Ông Minh cho biết phương thức trao đổi thông tin tài khoản khách hàng giữa ngân hàng và cơ quan thuế sẽ được hướng dẫn cụ thể tại một Thông tư khác. Cơ quan thuế sẽ cung cấp mã số thuế theo chứng minh thư nhân dân, còn phía ngân hàng sẽ yêu cầu người mở tài khoản cung cấp mã số thuế để gán thuộc tính mã số thuế vào thông tin định danh khách hàng.

Từ tháng 7/2020, mở tài khoản ngân hàng phải kê khai mã số thuế

Phủ nhận việc toàn bộ tài khoản kèm số dư thanh toán của tất cả khách hàng sẽ bị can thiệp, đại diện ngành thuế cho hay sẽ yêu cầu cung cấp tài khoản đối với vụ việc, đối tượng cụ thể theo trình tự, tuy nhiên, không nêu rõ trong trường hợp nào sẽ bị kiểm soát giao dịch.

“Cơ quan thuế sẽ yêu cầu cung cấp tài khoản đối với vụ việc, đối tượng cụ thể theo trình tự, không yêu cầu ngân hàng cung cấp toàn bộ tài khoản cũng như số dư thanh toán của tất cả khách hàng. Việc yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản, giao dịch chủ yếu là phục vụ cho thanh tra, kiểm tra”, ông Minh nói.

“Tất cả thông tin của người nộp thuế đều được cơ quan thuế bảo mật tuyệt đối, chứ không chỉ riêng liên quan đến thông tin tài khoản khách hàng” – đại diện Tổng cục Thuế đưa ra khẳng định.

Ông Minh cho hay từ 2016, các ngân hàng thương mại đã có khả năng theo dõi, cung cấp các thông tin tài khoản. Do vậy hiện Chính phủ yêu cầu thông tin trong nước không có gì quá khó khăn. Hiện ngành thuế chỉ yêu cầu cung cấp thông tin trong một số trường hợp cụ thể.

Về cưỡng chế thuế với các tài khoản, ông Minh khẳng định pháp luật hiện hành cho phép thực hiện đồng bộ 7 biện pháp cưỡng chế, trong đó có: Thông báo, nêu tên, yêu cầu nộp thuế qua tài khoản, khống chế hóa đơn. Tùy vào trường hợp và điều kiện, cơ quan thuế sẽ cân nhắc sử dụng biện pháp để đạt mục tiêu cuối cùng là làm sao thu được thuế mạnh.

Nghị định 126 nhằm siết thu thuế thương mại điện tử?

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, số thu thuế từ kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới chủ yếu qua 3 nhóm: Bán hàng qua mạng xã hội; Thu nhập từ hoạt động viết các ứng dụng trò chơi, quảng cáo qua Facebook, YouTube…; Các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking…).

Từ trước tới nay, các cá nhân, tổ chức tự kê khai, tự nộp thuế. Năm 2018, thu thuế thương mại điện tử từ các doanh nghiệp kê khai và nộp khoảng 800 tỷ đồng, năm 2019 trên 1.000 tỷ đồng, con số gần 1.000 tỷ đồng cũng đã đạt được trong 11 tháng đầu năm 2020. Dẫu vậy, ngành thuế cho rằng vẫn bỏ lọt nhiều nguồn thu từ các nền tảng công nghệ.

Với quy định tại Nghị định 126, các lập trình viên kiếm tiền từ việc viết trò chơi, ứng dụng trên điện thoại hay người làm clip đăng tải lên YouTube, Facebook sẽ bị phạt từ 1-3 lần số thuế phải nộp nếu không chịu kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân. Các cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, có nguồn thu trên 100 triệu đồng/năm từ các nền tảng công nghệ như YouTube, App Store, Facebook… đều phải kê khai nộp thuế.

Hiện nay, một video đạt 1 triệu lượt xem sẽ được YouTube trả khoảng 6.000 USD (gần 140 triệu đồng). Dẫn ví dụ, ông Minh cho biết các kênh Youtube như Bà Tân Vlog được xác định là của doanh nghiệp và phải tự kê khai, nộp thuế theo quy định nếu có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm từ YouTube. Nếu không tự giác kê khai nộp thuế hay cố tình trì hoãn nộp thuế, ngành Thuế sẽ phối hợp với các ngân hàng để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, doanh nghiệp qua các mạng xã hội trên. Các cá nhân trốn thuế sẽ bị xử phạt hành chính, trong trường hợp trốn nộp số thuế lớn, vụ việc có thể bị chuyển sang truy tố hình sự.

Nguyễn Minh

Xem thêm: