Kiểm toán Nhà nước kết luận tới hết năm 2019, số tài chính công đoàn tích lũy là gần 29.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng đã hiện quỹ chỉ kết dư hơn 20.000 tỷ đồng, đem gửi 4 ngân hàng sinh lời.

Giữa con số do Kiểm toán Nhà nước kết luận trong báo cáo và phía Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công bố, số dư tích lũy đang chênh nhau tới gần 9.000 tỷ đồng. Khoản tiền công đoàn này đã đi đâu khi phía Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nói đã chi hết ở cấp cơ sở đến ngày 31/12/2019, còn báo cáo hết năm 2019 của kiểm toán lại không có? Chưa kể những bất cập về khoản đầu tư và chi thường xuyên từ nguồn quỹ hàng nghìn tỷ này do Kiểm toán Nhà nước chỉ ra song chưa được phía Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giải đáp thấu đáo.

cong nhan viet nam image
Cảnh công nhân lúc tan tầm, tại Pouyuen Vietnam, TP.HCM, tháng 4/2020. (Ảnh minh họa: Huy Thoai/Shutterstock)

Kiểm toán Nhà nước: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thu nhiều chi ít, đầu tư khác

Tại báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước cho biết tổng thu tài chính công đoàn (năm 2019) là hơn 20.200 tỷ đồng; thu lớn nhất từ khối sản xuất kinh doanh gần 12.400 tỷ đồng, chiếm 69%.

Tổng chi là hơn 14.500 tỷ đồng; kết dư khoảng 5.800 tỷ đồng, bằng 23% tổng thu.

Kiểm toán nhà nước cho biết tỷ lệ chi trực tiếp cho người lao động chiếm 46%, là thấp so với tổng nguồn tài chính công đoàn được sử dụng các cấp trong năm. Tỷ lệ chi trực tiếp cho người lao động chủ yếu tập trung ở cấp công đoàn cơ sở (chiếm 97% kinh phí để lại của công đoàn cơ sở).

Càng ở các công đoàn cấp trên, tỷ lệ chi/tổng kinh phí để lại càng thấp. Cụ thể, tỷ lệ này là 99,1% tại cấp công đoàn cơ sở, giảm xuống còn 68,1% ở công đoàn cấp trên cơ sở; cấp Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành là 45,4%; và tại Tổng liên đoàn Lao động chỉ có 8,3%.

Theo số liệu cập nhật, đến cuối năm 2019, số tài chính công đoàn tích lũy là hơn 28.950 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại cấp liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và tương đương (chiếm 36% toàn ngành).

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng tỷ lệ kinh phí công đoàn quy định hiện nay phải nộp lên trên 30% là quá cao, cần phải giảm xuống, chỉ nộp lên trên khoảng 10-15%, còn để lại ở cơ sở phải từ 85-90%. Đoàn phí công đoàn cũng phải điều chỉnh tỷ lệ để lại 80%, nộp lên 20% thay vì 60% – 40% như hiện nay, theo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 9/9.

Ông này cho rằng “lấy tiền của doanh nghiệp và lao động gửi ngân hàng là có tội, công đoàn nên chấm dứt hoạt động cho vay, chi nhiều hơn cho người lao động”. Và theo đúng lý, gửi ngân hàng mà chi tiêu không hết thì phải lấy tiền lãi, tiền nhàn rỗi quay lại chi cho cấp cơ sở chứ không thể lấy lãi tích vào nguồn tích lũy.

Kiểm toán xác định cấp công đoàn cơ sở không đảm bảo kinh phí hoạt động, không có tích lũy và không có thu khác từ lãi tài chính công đoàn tích lũy, hạn chế các khoản chi chăm lo trực tiếp cho người lao động, thì các cơ quan công đoàn cấp trên cơ sở, liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố; trong khi Tổng liên đoàn Lao động lại sử dụng kinh phí tích lũy để gửi ngân hàng có kỳ hạn, đầu tư , cho vay…

Theo Kiểm toán Nhà nước, các cấp công đoàn thường sử dụng chi thường xuyên vượt 50% số dư tích lũy đến cuối kỳ năm trước, hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết, cho vay từ nguồn tích lũy chưa có cơ chế rõ ràng, minh bạch, chưa quy định về thời hạn trả nợ, điều kiện ràng buộc và trách nhiệm trả nợ, thậm chí không giám sát việc sử dụng vốn vay. Trong đó, Tổng liên đoàn Lao động chủ yếu cho vay xây trụ sở từ 2011 đến nay là 167,5 tỷ, nhưng chưa có giải pháp thu hồi.

Trước thực trạng này, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Tổng liên đoàn Lao động chấm dứt việc góp vốn thành lập doanh nghiệp và cho vay từ nguồn tích lũy tài chính công đoàn, yêu cầu các cấp cơ sở lập kế hoạch trung và dài hạn, phương án chi hàng năm; chuyển hướng báo cáo Quốc hội hàng năm tình hình sử dụng tài chính công đoàn…

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: Tích lũy chỉ hơn 20.000 tỷ đồng…

Liền sau thông tin do Kiểm toán Nhà nước công bố, ông Phan Văn Anh – phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phủ nhận việc tổ chức này sử dụng nguồn tài chính kết dư hàng chục nghìn tỷ đồng thu từ doanh nghiệp, người lao động để gửi ngân hàng có kỳ hạn, đầu tư , cho vay….

Theo cuộc phỏng vấn đăng trên Tuổi Trẻ ngày 11/9, ông Văn Anh cho biết khi chưa có Luật công đoàn (trước năm 2012), khoản tích lũy ở các cấp công đoàn trên cơ sở khoảng 10.000 tỷ đồng; từ khi có Luật công đoàn thì chi tiết kiệm, chi hiệu quả hơn nên tích lũy được gần 29.000 tỷ đồng. Nếu lời này là đúng thì chỉ trong vòng 8 năm, khoản tích lũy tăng thêm gần 19.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 9.500 tỷ/năm).

Ông này phủ định toàn bộ số kết dư gần 29.000 tỷ đồng tập trung tại Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam mà phân ra ở cả 4 cấp công đoàn: 3.793 tỷ đồng tại Tổng liên đoàn Lao động; 10.334 tỷ đồng tại tại 63 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và 20 công đoàn ngành trung ương; 6.644 tỷ đồng tại 1.269 công đoàn cấp trên cơ sở (quận, huyện); và 7.593 tỷ đồng tại gần 121.000 công đoàn cơ sở và đơn vị sự nghiệp.

Trừ đi số dư tại cấp cơ sở đến ngày 31/12/2019 đã được chi hết cho người lao động và đoàn viên công đoàn dịp Tết Nguyên đán 2020, số dư tích lũy còn trên 20.000 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền này được gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại 4 ngân hàng nhà nước nắm cổ phần chi phối, do Bộ Tài chính chấp thuận, và Tổng liên đoàn Lao động đánh giá là được khai thác có hiệu quả, tuy nhiên, ông Văn Anh không công bố số lãi hàng năm.

Tại báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, nguồn thu khác (chủ yếu là lãi ngân hàng của khoản kết dư) tăng dần theo cấp công đoàn. Tỷ lệ thu khác/tổng chi ở công đoàn cơ sở là 11,1%, tại công đoàn cấp trên cơ sở là 15,1%, tại Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố, công đoàn ngành là 37,4%, và tại Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tỷ lệ này lên tới 220,8%.

Theo đó, chỉ nguồn thu khác tại Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã vượt 2,2 lần nhu cầu chi. Mức độ tích lũy như vậy ở Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là quá lớn, theo Kiểm toán Nhà nước.

Về sử dụng quỹ kết dư, Tổng liên đoàn Lao động nói không mua cổ phần tại các đơn vị kinh tế ngoài tổ chức công đoàn, chỉ có công đoàn cấp dưới mua cổ phiếu ưu đãi tại các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá.

Khi được hỏi về cho vay nội bộ, ông Văn Anh cho biết tổ chức này có lấy từ nguồn tài chính cho hai đơn vị trực thuộc tổng liên đoàn vay, là Công ty TNHH MTV du lịch Công đoàn và Công ty in Công đoàn vay. Tổng khoản vay khoảng 300 tỷ đồng, hiện còn nợ khoảng 170 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trả cả gốc và lãi vào năm 2028. Theo ông Văn Anh, việc cho vay này không sai phạm vì được thực hiện từ năm 2009, trước khi có Luật Công đoàn 2012.

Luật Công đoàn 1990 quy định “công đoàn tự quản về tài chính”; và “các bất động sản, động sản, các quỹ công đoàn, các phương tiện hoạt động và các tài sản khác do công đoàn tạo nên, do nước ngoài viện trợ cho công đoàn là tài sản thuộc quyền sở hữu của công đoàn.”

Luật Công đoàn 2012 sau đó vẫn giữ quy định “công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định” song bỏ phần nội dung quy định về các tài sản (bất động sản, động sản, các tài sản khác…) do công đoàn tạo nên.

Với quỹ kết dư còn hơn 20.000 tỷ đồng, ông Văn Anh cho biết sẽ phân thành 4 quỹ, gồm quỹ chi thường xuyên, quỹ đầu tư phát triển (sửa chữa, xây mới trụ sở…), quỹ xã hội từ thiện cho đoàn viên, quỹ bảo vệ người lao động. Sắp tới Tổng Liên đoàn sẽ chi hỗ trợ COVID-19, chi thường xuyên vài nghìn tỷ đồng, chi xây dựng nhà ở cho người lao động, khu vui chơi, nhà trẻ… khoảng 3.000 tỷ đồng…

Tại báo cáo tổng kết thi hành Luật Công đoàn 2012 do Tổng liên đoàn Lao động mới trình ra Quốc hội, tổ chức này muốn tiếp tục giữ mức thu kinh phí công đoàn 2%. Trong khi đó, phía doanh nghiệp – ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay lâu nay đã kiến nghị thu phí công đoàn 2% là quá cao; và trong năm 2020 xin được miễn khoản này để doanh nghiệp vực lại sau dịch bệnh.

Nguyễn Minh

Xem thêm: