Tác động từ cuộc thương chiến Mỹ – Trung đã làm nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc đáng kể trong năm 2018, cũng như dẫn khởi làn sóng tháo chạy của các công ty rời khỏi Trung Quốc một cách đáng kể. Ở phía ngược lại, cùng tìm hiểu xem Trung Quốc đang nắm giữ những gì ở Mỹ?

trung quoc dau tu vao my
Trung Quốc đầu tư hàng tỷ đô la hàng năm vào Mỹ. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Năm 2014, khách sạn Waldorf Astoria – biểu tượng của thành phố New York – đã bị một công ty Trung Quốc mua lại với giá gần 2 tỷ USD. Sau thương vụ mua lại, cựu Tổng thống Obama phải dừng lưu trú lại đây do lo ngại về vấn đề an ninh, chấm dứt truyền thống hàng thập kỷ lưu lại khách sạn này khi công tác tới New York của các đời tổng thống Mỹ.

Vụ thâu tóm này được biết đến như một điển hình cho xu hướng luồng vốn các công ty Trung Quốc “đổ bộ” vào Mỹ.

Theo đó, hàng năm các công ty Đại Lục đổ hàng tỷ đô-la vào Mỹ dưới hình thức đầu tư. Và ở một số nơi tại New York, điều đó thậm chí còn trở nên rất phổ biến. Đầu tư của Trung Quốc bao gồm tòa nhà 28 Liberty Street, khách sạn Baccarat và cổ phần trong tòa nhà GM. Năm 2014, Ngân hàng Bank of China cũng đã đồng ý trả 600 triệu USD để mua lại tòa nhà ở khu vực gần trung tâm này.

Một tên tuổi lớn gây sự chú ý trong thương vụ đầu tư này là nhà đầu tư bất động sản đình đám Zhangxin. Cô là một tỷ phú Trung Quốc và gia đình của cô đã thâu tóm 49% cổ phần trong tòa nhà Park Avenue Plaza vào năm 2011.

Bên cạnh đó, cô Zhangxin cùng với các nhà đầu tư khác đã mua 40% cổ phần tòa nhà GM vào năm 2013 và thành lập nên tập đoàn HNA Group – công ty đã đổ hàng tỷ đô-la vào các bất động sản ở New York, Chicago, San Francisco, Minneapolis và nhiều nơi khác.

Nhưng không chỉ là bất động sản. Năm 2012, tập đoàn Trung Quốc, Dalian Wanda đã thâu tóm hãng AMC của Mỹ. Thương vụ trị giá 2,6 tỷ USD đã biến nó thành chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất thế giới.

Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã mua 3,5 tỷ USD cổ phần trong hãng giải trí Legendary, công ty đứng sau bộ phim Vạn Lý Trường Thành của Matt Damon.

Năm 2016, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ lên tới đỉnh điểm. Tuy nhiên, xu hướng đó đã đảo ngược vào năm tiếp theo khi dòng vốn đầu tư giảm đáng kể.

dau tu cua Trung Quoc vao My

Nhìn vào chỉ số đo lường đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ ở trên có thể thấy, kể từ khi ra đời năm 2000, con số này trong xu hướng tăng lên đều đặn, đạt đỉnh gần 46 tỷ USD vào năm 2016. Sau đó nó đột ngột giảm vào năm 2017 và 2018.

Vì sao dòng vốn đầu tư lại giảm mạnh như vậy? Để hiểu điều này, chúng ta phải truy tìm về nguồn gốc của sự gia tăng lúc ban đầu.

Với vai trò là phân xưởng của nền kinh tế toàn cầu và có quy mô lớn thứ hai thế giới, hoạt động kinh doanh của người Trung Quốc ngày càng phát đạt và tài sản của người giàu có ngày càng gia tăng nhanh chóng, nhưng họ lo lắng về sự suy giảm của đà tăng trưởng bùng nổ này của Trung Quốc. Khi đó, tài sản định giá bằng đồng Nhân dân tệ của họ sẽ giảm khi đồng Nhân dân tệ trở nên mất giá so với các ngoại tệ khác.

Vì thế các công ty Đại lục bắt đầu mua vào các tài sản ở nước ngoài như Mỹ. Đó là cách mà họ đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, phòng ngừa rủi ro nếu có bất trắc xảy ra ở quê nhà.

Nhưng tất cả tiền từ các tài khoản ngân hàng Trung Quốc đổ vào bất động sản và các công ty ở nước ngoài cũng khiến chính quyền Bắc Kinh lo lắng. Chính phủ quốc gia đông dân nhất thế giới lo ngại tất cả luồng vốn đổ ra nước ngoài sẽ làm suy thoái nền kinh tế trong nước và giảm giá trị đồng nội tệ.

Vì vậy bằng nhiều biện pháp khác nhau, chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát chặt hơn luồng tiền ra nước ngoài, hay còn gọi là kiểm soát luồng vốn, và khuyến khích các công ty hồi hương luồng tiền đã chuyển đi quay về nước.

Để hiện thực hóa kế hoạch đó, Bắc Kinh đã tập trung vào 4 tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc, bao gồm: HNA Group, Tập đoàn bảo hiểm Anbang, Fosun, và Tập đoàn Dalian Wanda.

chien tranh thuong mai
Trung Quốc không muốn các công ty Đại Lục đổ tiền quá trớn vào Mỹ. Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ cũng ra sức ngăn chặn các vụ thâu tóm của công ty Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trên đây vừa đề cập đến thương vụ mua lại khách sạn Waldorf Astoria ở New York được thực hiện bởi Anbang – công ty đã bỏ ra hàng chục tỷ USD trên khắp thế giới để mua các tài sản có giá trị.

Nhưng đầu năm 2018, chính quyền Trung Quốc đã thâu tóm công ty này và thậm chí là bắt giữ chủ tịch công ty. Tức là theo cách nào đó, chính phủ Trung Quốc đang sở hữu tài sản mang tính biểu tượng của New York.

Và còn cả Hainan Airlines, tức tập đoàn HNA Group, vốn khởi đầu từ một hãng hàng không nhỏ vào năm 1993. Nhưng ngày nay nó là một tập đoàn toàn cầu, sở hữu bất động sản, khách sạn và các công ty du lịch. Năm 2017, HNA Group trở thành công ty lớn thứ 170 trên thế giới với doanh thu hàng năm là hơn 50 tỷ USD.

Trong kế hoạch mua sắm phóng tay của mình, HNA còn mua tập đoàn khách sạn Radisson, nắm giữ 6,5 tỷ USD cổ phần trong khách sạn Hilton và cổ phần tại ngân hàng Deutsche. Năm 2017, HNA mua tòa nhà 245 Park Avenue với giá 2,2 tỷ USD, khiến nó trở thành tòa nhà văn phòng đắt nhất trong lịch sử New York.

Nhưng một năm sau, HNA Group được biết là đang tìm kiếm người mua, Fosun cũng rao bán khách sạn 28 Liberty với giá 1,6 tỷ USD, trong khi Tập đoàn Wanda cũng tìm kiếm người mua lại Legendary. Những điều này chứng tỏ rằng nỗ lực kiềm chế các công ty trong nước của chính quyền Bắc Kinh đã có tác dụng. Hãy nhìn vào những tài sản này ở Mỹ, dù để bán hay được bán bởi các công ty lớn nhất Trung Quốc.

Trong khi đó, phía Washington cũng đang làm cho hoạt động đầu tư nước ngoài vào Mỹ trở nên khó khăn hơn bằng cách tăng thêm rào cản và thậm chí, trong một số trường hợp đã viện dẫn đến lo ngại an ninh quốc gia mà vụ ngăn chặn ảnh hưởng của Huawei là một điển hình.

Bên cạnh đó, Mỹ đã ngăn chặn thương vụ mua bán MoneyGram do Ant Financial thực hiện mà đứng sau là Tập đoàn Alibaba. Tập đoàn HNA cũng bị thất bại trong nỗ lực mua lại quỹ đầu cơ Skybridge Capital.

Hiện nay, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm về mức trước khi tăng hơn một thập kỷ trước. Nhưng còn chưa thể biết nó sẽ giảm đi hay phục hồi trong thời gian tới.

Theo CNBC,
Liên Hương

Xem thêm: