Tập đoàn Gazprom của Nga hôm thứ Ba (6/9) cho biết họ đã ký một thỏa thuận để bắt đầu cho phép Trung Quốc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp hoặc nhân dân tệ, thay vì đô la Mỹ.

Trung Quốc mua khí dốt Nga thanh toán khí dốt Nga bằng rúp 2138696329
Để né tránh trừng phạt kinh tế của phương Tây, Nga tiếp tục tăng cường bán dầu và khí đốt cho Trung Quốc, Ấn Độ,… (Ảnh minh họa: Diy13/Shutterstock)

Sự thay đổi này là một phần trong nỗ lực của Nga né tránh lệnh trừng phạt và nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, đồng EURO và các loại tiền tệ cứng khác trong hệ thống ngân hàng và lĩnh vực thương mại – một động lực mà Moscow đã tăng tốc kể từ khi họ bị phương Tây trừng phạt kinh tế.

Nga đã và đang tạo dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc và các nước không phải phương Tây khác, đặc biệt là khi là thị trường mới cho xuất khẩu hydrocarbon quan trọng của nước này.

Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller cho biết việc cho phép thanh toán bằng đồng rúp của Nga và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là ‘cùng có lợi’ cho cả Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước của Bắc Kinh.

Gazprom không cung cấp thêm chi tiết về chương trình hoặc cho biết khi nào các khoản thanh toán sẽ chuyển từ đô la Mỹ sang rúp và nhân dân tệ.

Tổng thống Vladimir Putin đầu năm nay đã buộc khách hàng châu Âu phải mở tài khoản ngân hàng rúp với Gazprombank và thanh toán bằng tiền Nga nếu họ muốn tiếp tục nhận khí đốt của Nga. Nguồn cung đã bị cắt cho một số công ty và quốc gia từ chối các điều khoản của thỏa thuận.

Nga đã ký một gia hạn mang tính bước ngoặt trị giá 37,5 tỷ USD, thỏa thuận cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trước thềm cuộc xâm lược Ukraine.

Moscow bắt đầu bơm khí đốt đến Trung Quốc thông qua đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia dài 3.000 km (1.865 dặm) vào cuối năm 2019. Ông Putin ca ngợi động thái này là một “sự kiện lịch sử”.

Theo hãng thông tấn Nikkei, Tập đoàn JOVO của Trung Quốc, một nhà kinh doanh LNG lớn, gần đây đã tiết lộ rằng họ đã bán lại một lô hàng LNG cho một bên mua châu Âu.

Theo đó, một nhà giao dịch tương lai (futures trader) ở Thượng Hải nói với Nikkei rằng lợi nhuận thu được từ một giao dịch như vậy có thể lên tới hàng chục triệu đô la hoặc thậm chí lên tới 100 triệu đô la.

Truyền thông Trung Quốc cho biết chỉ riêng công ty nhà nước Sinopec đã bán được 45 lô LNG, tương đương khoảng 3,15 triệu tấn. Tổng lượng LNG Trung Quốc đã bán lại cho châu Âu có thể là trên 4 triệu tấn, tương đương 7% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu trong nửa năm từ tháng 1 đến tháng 6.

Đức Minh, theo Reuters và Nikkei