Tại cuộc họp thường niên của công ty Berkshire Hathaway vào thứ Bảy (6/5), Giám đốc điều hành Berkshire Hathaway là Warren Buffett cho biết không có rủi ro đối với vấn đề tiền tệ dự trữ là đồng đô la Mỹ (USD), vị thế đồng tiền dự trữ của USD khó có thể bị sụt giảm.

vnd lên giá tỷ giá usd vnd lên giá usd lên giá 24.000 dồng 1936085086
Vào thứ Bảy (6/5), nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett cho biết rằng không có rủi ro đối với vấn đề tiền tệ dự trữ là đồng USD. (Ảnh minh họa: RomanR/Shutterstock)

“Thật điên rồ khi tiếp tục in tiền”

Nhà đầu tư nổi tiếng Buffett không lo lắng về phóng đại hiện nay từ giới truyền thông về “phi USD hóa” hoặc cho rằng các nước khác đã giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, nhưng ông cảnh báo chính phủ Mỹ không nên chi tiêu quá mức gây lạm phát, qua đó làm xói mòn giá trị của đồng USD.

“Chúng ta nên hết sức cẩn thận… mọi người cần tin tưởng rằng theo thời gian tiền tiết kiệm của họ vẫn bảo đảm được giá trị khi mua sắm, nếu không họ sẽ tránh gửi tiền vào ngân hàng hoặc xây dựng quỹ hưu trí”, ông Buffett cảnh báo.

Đối tác kinh doanh Charlie Munger của ông Buffett nói thêm rằng, “Thật điên rồ khi tiếp tục in tiền, nước Mỹ không nên mạo hiểm chi tiêu quá nhiều có thể gây những hậu quả nguy hiểm”.

Ông Munger đã so sánh cách Mỹ xử lý nợ quốc gia với cách của Nhật Bản. Ông nói rằng Nhật Bản có văn hóa khác, còn đồng yên không phải là đồng tiền dự trữ, Nhật Bản có khả năng mua lại phần lớn nợ quốc gia và cổ phiếu phổ thông, nhưng Mỹ không nên cố gắng bắt chước. Ông cũng chỉ ra tình trạng trì trệ kinh tế của Nhật Bản: “Ở Nhật Bản, mọi người đều chấp nhận đau khổ và cùng nhau giải quyết vấn đề, nhưng ở Mỹ thì mọi người sẽ phàn nàn”.

Bank of America: Địa vị thống trị của đồng USD không dễ bị đe dọa

Có tin đồn trên các phương tiện truyền thông rằng BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang đàm phán về một loại tiền tệ để thay thế đồng USD trong các giao dịch của họ với nhau, điều này có thể gây đe dọa cho vị thế bá chủ của đồng USD.

Nhưng có nhận định cho rằng nhiệm vụ  phi USD hóa của các nước BRICS sẽ khó khả thi, vai trò thống trị toàn cầu của đồng USD không bị đe dọa theo bất kỳ cách nào vì không có đồng tiền thay thế nào khác.

Bank of America cho biết trong một lưu ý được viết bởi chiến lược gia tiền tệ Athanasios Vamvakidis và các nhà phân tích khác rằng, đồng USD “sẽ không mất đi đặc quyền… (vì) không có bất kỳ (sự) lựa chọn nào khác”.

Đồng USD cho đến nay vẫn là đồng tiền dự trữ quan trọng nhất trong các thỏa thuận ngoại hối toàn cầu, nhưng hiện tỷ trọng của nó trong thị trường ngoại hối đã giảm nhẹ, từ 90% năm 1988 xuống còn 88% vào năm 2022.

Trong nhiều thập niên, việc chuyển dự trữ ngân hàng trung ương toàn cầu ra khỏi đồng USD diễn ra rất chậm. Tỷ lệ dự trữ USD do các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ đã giảm dần từ 70% năm 1999 xuống còn 58% hiện nay, nhưng đây không phải “quá trình theo đường thẳng”. Xu thế gia tăng dự trữ đồng USD từ năm 2012 đến năm 2016 phản ánh vết sẹo từ khủng hoảng nợ có chủ quyền của khu vực đồng euro, vấn đề lãi suất âm, nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu và tác động của Brexit.

Nhiều cảnh báo chỉ ra các nước BRICS không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng đồng USD, dù Tổng thống Lula da Silva của Brazil nỗ lực cho ý tưởng xây dựng loại tiền tệ để giải quyết các khoản thanh toán giữa các nước BRICS, nhưng vấn đề cần nhiều thời gian.

Từ đầu Ấn Độ đã không muốn tham gia liên minh phi đô la hóa BRICS, thay vào đó thích cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tăng Quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) cho các nước thành viên như một tài sản dự trữ trong thời kỳ khủng hoảng. Ngoài ra xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc về vấn đề biên giới cũng khiến Ấn Độ không thể hỗ trợ đồng RMB thay thế đồng USD.

Bloomberg chỉ ra trong một bài báo rằng, lợi thế tiền tệ chủ yếu do mức độ quen thuộc và quy mô sử dụng. Quy mô rất quan trọng: khoảng 40% thương mại toàn cầu được tính bằng USD, gấp 4 lần tỷ trọng thương mại toàn cầu của Mỹ. Đồng USD chiếm 42% giao dịch liên ngân hàng trên mạng SWIFT, trong khi với đồng RMB của Trung Quốc chỉ là 2%; tuy đồng euro chiếm tỷ lệ ấn tượng 36%, nhưng đó chủ yếu là hoạt động kinh doanh trong khu vực đồng euro giữa 20 nước thành viên EU. Còn tính trên thương mại toàn cầu thì tỷ trọng của đồng euro khiêm tốn hơn, chỉ ở mức 16%.

Có thể nói, ngoài phạm vi ảnh hưởng trong các nước tương ứng khu đồng tiền đối trọng liên quan thì bất kỳ đề nghị thay thế nào đối với đồng USD đều không có sức hấp dẫn.