Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) công bố kết quả khảo sát rằng chỉ 30-40% doanh nghiệp (DN) trong ngành có khả năng phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách xã hội, số DN còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục. Hiện nhiều nhà nhập khẩu đã tỏ thái độ có thể cân nhắc đến việc tìm nguồn cung thay thế.

thuy san an giang
Cảnh phân loại cá tại cảng cá Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang, trước khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát. (Ảnh minh họa: Vietnam Stock Images/Shutterstock)

Theo khảo sát của VASEP tính đến cuối tháng 8, chỉ 30-40% DN tại các tỉnh thành phía Nam hoạt động được theo yêu cầu “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ); khoảng 30-40% DN phải ngừng sản xuất, số còn lại tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện “3 tại chỗ”.

Nhưng ngay với những DN thực hiện được “3 tại chỗ” thì lượng công nhân có thể huy động được cũng chỉ khoảng từ 30-50% tổng số người lao động; số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước.

VASEP ước tính công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%.

Ngoài ra, công nhân, người lao động làm việc “3 tại chỗ” đã bắt đầu mệt mỏi và mong được về nhà, do đó các DN rất khó khăn nếu muốn tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ”. Bản thân các DN cũng không thể tiếp tục trụ lâu thêm khi “3 tại chỗ” phát sinh rất nhiều chi phí trong khi công suất sản xuất giảm.

VASEP cho hay qua khảo sát, chỉ 30 – 40% DN có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số DN còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Việc phục hồi sản xuất của DN đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển; DN bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng. Đặc biệt, DN khó khôi phục lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vắc-xin nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, hoặc đã về quê, hoặc đang cách ly, hay đang điều trị do bị nhiễm virus Vũ Hán…

“Nếu việc tiếp tục giãn cách đến giữa tháng 9/2021 thì nguy đứt chuỗi là rất cao và khả năng khó hồi phục lại sản xuất như bình thường” – VASEP nhận định. Cuối tháng 8, hiệp hội này cho biết 100% DN khảo sát cho rằng “3 tại chỗ” chỉ là phương án cầm cự, nếu Chính phủ, các địa phương không có các biện pháp khôi phục khẩn cấp thì nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất từ nuôi trồng – khai thác – chế biến – kinh doanh – xuất nhập khẩu là ngay trước mắt.

Từ ngày 7/9, chỉ có 4 tỉnh chuyển dần giãn cách theo Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15, gồm An Giang (trừ các xã, phường, thị trấn thuộc “vùng đỏ”, “vùng cam”); Cà Mau (trừ khu phong tỏa, khu vực cách ly); Long An áp dụng tại 8 huyện và thị xã (trừ 1 TP và 6 huyện); Kiên Giang áp dụng tại 1 TP và 7 huyện (trừ 2 TP và 5 huyện); riêng Bạc Liêu giới hạn thời gian áp dụng Chỉ thị 15 tại 1 thị xã, 5 huyện và một phần TP Bạc Liêu (trừ 6 phường của TP Bạc Liêu) từ từ 3h ngày 6/9 đến 0h ngày 13/9.

14 tỉnh thành gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh vẫn áp dụng Chỉ thị 16.

Nguyên liệu “khan”, giá sẽ tăng trong khi DN mất dần đơn hàng

VASEP cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, quy định giãn cách nên DN thủy sản không thể quy động được nguồn nguyên liệu. Nguyên liệu bị đùn ứ đẩy giá nhiều mặt hàng thủy sản giảm mạnh, người dân không tiếp tục thả nuôi… Dự báo, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng sẽ thiếu từ 20-30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10-20% trong những tháng cuối năm.

Trong khi đó, ngư dân không thể đi biển đánh bắt, các cảng cá cũng bị giới hạn hoặc ngưng hoạt động. Dự kiến nguồn nguyên liệu khai thác trong nước giảm thiếu 30-40% và dự kiến giá nguyên liệu tăng 20-30%.

Tính đến tháng 7/2021, số lượng các đơn hàng đã tăng 10-20% so với năm 2020 do các thị trường nhập khẩu trên thế giới đều đã khôi phục trở lại. Tuy nhiên, liền sau đó, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lan rộng từ TP.HCM xuống vùng ĐBSCL khiến việc vận chuyển nguyên vật liệu, thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục C/O và thủ tục cảng bị tác động, làm ảnh hưởng mạnh đến tiến độ sản xuất và giao hàng của doanh nghiệp.

Tính tới cuối tháng 8, theo VASEP, có đến 40-50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và có khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy. Nhiều nhà nhập khẩu đã tỏ thái độ quan ngại rằng trước mắt vẫn giữ đơn hàng nhưng có thể cân nhắc tới việc tìm nguồn cung thay thế.

Theo các DN được khảo sát, trường hợp DN được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách (sau ngày 15/9) thì khả năng lấy được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng rất hạn chế.

Hiệp hội phản ánh hiện cước phí vận chuyển của các hãng tàu hiện nay vẫn rất cao, tăng từ 2-3 đến 10 lần. Thêm vào đó, việc đặt container, tàu cũng gặp nhiều khó khăn do DN hoàn toàn thụ động về thời gian và cước tàu. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch vận chuyển và giá thành sản phẩm thủy sản, làm ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh, uy tín  của DN và sự cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.

Nguyễn Minh

Xem thêm:

‘Các nhà sản xuất Việt Nam đang đối mặt với tình trạng gần như bất khả thi’