Luôn nằm trong nhóm ngành huy động trái phiếu lớn nhất nhì trên thị trường, đến nay các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) lần lượt thông báo trễ hạn thanh toán lãi hoặc gốc trái phiếu trong 3 tháng đầu năm 2023. Nhiều nhà đầu tư đối mặt việc mất tiền hoặc chấp nhận thương lượng với các doanh nghiệp còn dự án, còn tài sản bảo đảm.

bat dong san chung cu du luat nha o chung cu cham dut quyen so huu chung cu 1689130873
Người mua trái phiếu của nhóm doanh nghiệp BĐS gặp rủi ro lớn nếu liên tục bị trễ hạn thanh toán lãi và gốc. (Ảnh minh họa: Muk Photo/Shutterstock)

Chuyên trang về trái phiếu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ đầu năm đến nay liên tiếp công bố thông tin bất thường của các tổ chức phát hành chậm trả nợ gốc, lãi. Doanh nghiệp bất động sản chiếm phần lớn trong số này.

Theo đó, ít nhất 10 doanh nghiệp bất động sản đã thông báo chậm trả lãi hoặc gốc trái phiếu trong nửa tháng qua với cùng lý do “chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán”.

Ví dụ như Công ty Đầu tư và dịch vụ Đất Xanh Miền Nam là trường hợp mới nhất khi thông báo trễ hạn thanh toán lãi 2 kỳ liên tiếp (hơn 3 tỷ đồng) vào chiều hôm 3/3 do “chưa thu xếp kịp nguồn tiền”.

Bên cạnh đó, Công ty Đầu tư An Khải Hưng đáo hạn lô trái phiếu 180 tỷ đồng vào giữa tháng trước nhưng chỉ trả đủ lãi, trong khi nợ gốc còn 178 tỷ đồng với lý do tương tự.

Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) cuối tháng 2 thông báo chậm thanh toán nợ gốc 1.000 tỷ đồng và tiền lãi 53 tỷ đồng cho lô trái phiếu được phát hành giữa tháng 10/2021. Bất động sản Gia Phú, công ty con của Novaland, cũng khất tiền lãi trái phiếu hơn 3 tỷ đồng. SeaSide Homes, một doanh nghiệp liên quan đến dự án của Novaland ở Phan Thiết, cùng thời gian này thông báo chậm thanh toán lãi trái phiếu hơn 51 tỷ đồng.

“Trong bối cảnh bất khả kháng/thay đổi hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của tất cả quý vị”, Chủ tịch HĐQT Novaland Bùi Thành Nhơn viết trong thư gửi các chủ nợ của doanh nghiệp.

Theo FiinRatings, một công ty xếp hạng tín nhiệm nội địa, điểm chung của những doanh nghiệp bất động sản vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu là sử dụng đòn bẩy tương đối cao, có kết quả kinh doanh giảm mạnh, mất cân đối kỳ hạn nợ và nguồn tiền trả nợ trong ngắn hạn mặc dù lợi nhuận vẫn tốt.

Trong thông báo gửi HNX, phương án được hầu hết doanh nghiệp bất động sản đưa ra là đàm phán với trái chủ để giãn thời hạn trả nợ. Đơn cử như Fuju Nutri Food, công ty huy động trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng nửa năm trước, cho hay sẽ dời ngày trả nợ chậm một tuần so với kế hoạch. Công ty Đầu tư và dịch vụ Đất Xanh Miền Nam chọn giải pháp thay đổi từ trả lãi hàng tháng sang hàng quý.

Đối với Novaland, lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay vừa đề xuất trái chủ giãn thời hạn thanh toán nợ gốc, vừa hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do công ty phát triển hoặc nhận một phần vốn góp để đổi lấy việc hủy bỏ trái phiếu. Người đứng đầu Novaland gọi đây là “những giải pháp phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích cho các trái chủ”.

Ông Lê Hồng Khang – Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm Fiin Ratings, đánh giá việc thuyết phục trái chủ đồng ý với đề xuất hoãn, giãn hoặc những phương án khác sẽ là nhiệm vụ khó khăn hơn cho các công ty bất động sản khi áp lực trả nợ trái phiếu đạt đỉnh trong hai quý tới, Vnexpress đưa tin.

Ông Khang ước tính trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay sẽ khoảng 205.000 tỷ đồng, năm sau là 223.150 tỷ đồng và trong đó nhóm bất động sản luôn chiếm khoảng phân nửa.

“Áp lực nợ đến hạn lớn trong bối cảnh doanh thu và chất lượng lợi nhuận suy giảm sẽ khiến cho số lượng doanh nghiệp bất động sản mất khả năng thanh toán gia tăng”, ông Khang nói.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect công bố cách đây một tuần nhận định tỷ số thanh toán hiện thời và hệ số thanh toán lãi vay của doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ, điều này cho thấy rủi ro mất khả năng thanh toán nợ cao như năm 2011.

Khó khăn trong quá trình đàm phán giãn nợ trái phiếu không chỉ đến từ dòng tiền, mà còn bắt nguồn từ tâm lý chuộng tiền mặt và niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chưa thể khôi phục sau các vụ bắt giữ liên quan đến vi phạm trong phát hành và sử dụng vốn không đúng mục đích của một số nhà phát triển bất động sản lớn.

Chuyên gia VNDirect chỉ ra rằng điều này đang thể hiện qua việc nhiều trái chủ đã vội vàng bán trái phiếu để thu lại tiền mặt với mức chiết khấu 14-17% so với giá mua.

Tại hội nghị tháo gỡ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản giữa tháng 2, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty GP Invest cho biết nhiều doanh nghiệp đã “quá đà” trong phát hành trái phiếu để ôm dự án.

Trước hàng loạt vụ người dân nhiều nơi tố ngân hàng có dấu hiệu tư vấn sai lệch, thay vì gửi tiết kiệm lại hướng người dân đến đầu tư mua trái phiếu DN với lãi suất cao, Bộ Tài chính Việt Nam cho biết trái phiếu DN rủi ro cao hơn gửi tiền tiết kiệm, do đó “nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu,… và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình”.

Theo báo cáo về thị trường trái phiếu năm 2022, có hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS của Việt Nam phát hành là của các doanh nghiệp chưa niêm yết. Đáng chú ý, báo cáo chỉ ra tình trạng tài chính của số doanh nghiệp này ở mức “yếu kém”, “thiếu minh bạch” và “rất đáng báo động”.

Đức Minh