Dự thảo quy hoạch điện 8 của Bộ Công Thương Việt Nam cho biết có khoảng 30 gigawatt (GW) nhiệt điện than sẽ được phát triển ở Việt Nam đến năm 2035. Tuy vậy, các dự án nhiệt điện than mới sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai trong bối cảnh các tổ chức quốc tế hạn chế hỗ trợ cho vay vốn lĩnh vực này.

shutterstock 776119255
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (Ảnh: KAMONRAT/Shutterstock)

Cụ thể, theo dự thảo quy hoạch điện 8 được Bộ Công Thương Việt Nam xây dựng, đến năm 2035, vẫn còn khoảng gần 30 GW (30.000 megawatt) nhiệt điện than sẽ được phát triển. Tuy vậy, theo phân tích của Công ty chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS), chỉ một nửa trong số này đã dự kiến có kế hoạch thu xếp vốn, còn khoảng 15 GW chưa có kế hoạch thu xếp vốn.

Trong bối cảnh nhiều tổ chức tài chính quốc tế hiện đang theo đuổi chính sách tín dụng xanh, các dự án nhiệt điện than được dự báo sẽ gặp khó khăn khi huy động vốn từ các tổ chức quốc tế.

Theo Bloomberg, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 (Group of Seven – diễn đàn kinh tế của 7 quốc gia gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý và Canada) diễn ra tại London (Anh) vào tháng 5/2021, đã thống nhất dừng hỗ trợ tài chính quốc tế đối với lĩnh vực nhiệt điện than nhằm cắt giảm khí thải. Bên cạnh đó, Ngân hàng HSBC cho biết sẽ dừng các hỗ trợ tài chính cho dự án nhiệt điện than trước năm 2040.

Tại hội nghị về khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, ngày 4/11/2021, khoảng 40 nước, trong đó có Việt Nam đã cam kết mức phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Theo kế hoạch được chính phủ Anh công bố, các nước phát triển sẽ giảm dần sản xuất điện than trong những năm 2030. Thời hạn này sẽ được kéo dài đến những năm 2040 cho những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

GS Phạm Duy Hiển, cựu Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt cho biết: “Nếu cam kết như thế thì có thể có nhiều cách hiểu là từ năm 2050 trở đi Việt Nam sẽ không còn điện than. Nói cách khác là kể từ giờ trở đi, sẽ không có kế hoạch xây các nhà máy điện than mới, chỉ có những nhà máy đang được xây dựng là vẫn tiếp tục“, trang RFI dẫn lời.

Ông Hiển nói thêm: “Nhưng theo kế hoạch gọi là Quy hoạch điện 8 cho giai đoạn 2021-2030, và xa hơn, đến năm 2045, một quy hoạch hiện cũng rất đang được chú ý, nhưng chưa được chính thức phê duyệt vì còn nhiều khó khăn, từ nay đến năm 2031, tức là gần 15 năm nữa, Việt Nam sẽ xây thêm 27 nhà máy nhiệt điện than, với tổng công suất là 31.000 MW. Con số nhà máy và tổng công suất như vậy là rất cao, trong khi Việt Nam hiện nay đã được xếp thứ 11 thế giới về công suất điện than rồi. Cho nên, tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam tại COP26 rất được chú ý, vì Việt Nam là một trong những “cường quốc” về nhiệt điện than“.

“Để thực hiện được cam kết của Thủ tướng ở hội nghị COP26, thì trước hết phải giải quyết 27 nhà máy nhiệt điện than mới mà chúng ta dự định xây. Nhưng bỏ những nhà máy đó thì sẽ thay bằng cái gì?”, ông Hiển đặt vấn đề.

Các dự án mới đều phải dùng nguồn than nhập khẩu với tỷ lệ phát thải CO2 cao nên có khả năng nhiều dự án sẽ bị hủy bỏ hoặc chuyển đổi sang sử dụng khí LNG và phải đầu tư lớn các máy móc phục vụ việc thay đổi nguyên vật liệu.

Để đạt được mục tiêu “Net Zero năm 2050”, dự kiến nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam sẽ được tăng mạnh lên 88 – 95% trong giai đoạn 2040 – 2050 cùng với các nguồn năng lượng như điện khí và tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý khí thải.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), từ 2030 tới năm 2050, thế giới mỗi năm cần thêm khoảng 630 GW điện mặt trời và 350 – 390 GW điện gió, trong đó có khoảng 70 – 80 GW điện gió ngoài khơi/năm.

Với nhiệt điện than, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam yêu cầu xem xét lại quy hoạch nguồn nhiệt điện than sau năm 2030 theo hướng chuyển đổi nhiên liệu hoặc không tiếp tục phát triển nếu dự án không có các ràng buộc, có nguy cơ gây thiệt hại về kinh tế.

Quang Minh

Xem thêm: