Tính chung 11 tháng/2022, Việt Nam nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc, Ấn Độ tăng khoảng 67 – 83% so với cùng kỳ năm 2021.

xuat nhạp khau
Trong năm 2022, nhập khẩu rau quả của Việt Nam tăng mạnh, trong đó Trung Quốc chiếm 41% tỷ trọng. (Ảnh: Shutterstock)

Theo báo cáo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ước tính năm 2022, tổng giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 2,1 tỷ USD, tăng 35,2% so với năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả đạt 3,3 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ, theo Vnexpress.

Về thị trường, Việt Nam nhập rau quả từ Trung Quốc nhiều nhất và tăng trưởng mạnh nhất, chiếm gần 41% tỷ trọng nhập khẩu, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng giá trị nhập đạt khoảng 765 triệu USD.

Ấn Độ tăng trưởng mạnh tiếp theo với 67%, Nam Phi tăng 54%, Campuchia tăng 33% so với cùng kỳ 11 tháng/2021.

Tại chợ truyền thống ở TP.HCM, trái cây, rau củ của Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia đang vào mùa nên giá rất rẻ. Hiện, táo, mận, nho, đào của Trung Quốc đa dạng chủng loại liên tục được các đơn vị nhập về Việt Nam chào bán với giá thấp, cũng theo bản tin của Vnexpress.

Nếu các năm trước chỉ có nho xanh và nho đỏ, năm nay có 5 – 6 loại khác nhau. Trước Trung Quốc chỉ trồng được nho không hạt thì 2 năm nay thêm nho đỏ có hạt chất lượng cao, giá 80.000 – 100.000 đồng một kg, chỉ bằng hàng Việt. Hay nho mẫu đơn của Trung Quốc giá chỉ 170.000 – 200.000 đồng một kg, bằng một phần mười giá so với hàng Nhật.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 6,69 triệu tấn, trị giá 3,24 tỷ USD, tăng 16,3% về lượng và 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, năm 2020, Việt Nam ghi nhận lượng gạo nhập từ Ấn Độ tăng vọt sau nhiều năm, với 46.700 tấn, tăng hơn 9 lần so với năm 2019. Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 999.750 tấn gạo, trong đó hơn 72% là gạo Ấn Độ (719.970 tấn), với chủng loại gạo nhập chủ yếu là cấp thấp (gạo tấm và gạo trắng khác).

Chủng loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm (thuộc phân nhóm HS 100640), gạo trắng khác (thuộc phân nhóm HS 100630). Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu…

Do vậy, lý do được Bộ Công thương nêu khi muốn hạn chế nhập lúa gạo giá thấp vì Việt Nam là nước sản xuất lúa gạo nhưng vừa qua đã nhập khẩu một số loại gạo phục vụ nhu cầu trong nước, nhiều nhất từ Ấn Độ.

Bộ Công thương cho rằng việc nhập khẩu gạo giá thấp nhiều, không được quản lý, thống kê đầy đủ, khiến cơ quan quản lý lo ngại ảnh hưởng tới sản xuất trong nước và gián tiếp ảnh hưởng tới an ninh lương thực.

Không đồng tình với đề xuất trên, VCCI cho biết: “Việc áp dụng các biện pháp quản lý hạn chế nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác trong nước, khiến giá thành sản xuất tăng, thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm tính cạnh tranh của hàng hoá, sản phẩm từ Việt Nam”.

Cơ quan này cũng nêu các biện pháp quản lý nhập khẩu nếu áp dụng, cần xem xét đến lợi ích của các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu để sản xuất.

Vì thế, tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cho rằng cần cân nhắc khi bổ sung quy định về nhập khẩu lúa, gạo.

Đức Minh