Hàng không Vietnam Airlines vừa cho biết khách hàng có thể thực hiện dịch vụ check-in trực tuyến (online) tại tất cả các sân bay nội địa trong tháng 11 năm nay. Còn Vietjet Air và Bamboo Airways có thể làm thủ tục này ở sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Phú Quốc, các sân bay tỉnh khác vẫn đang xúc tiến thực hiện.

check in online vietnam airlines cho check in online toan quoc
Sau 13 năm triển khai, đến nay Vietnam Airlines đã hoàn thành việc áp dụng check-in online ở tất cả sân bay nội địa. (Ảnh minh họa: CTV/Trí Thức VN)

Ngày 7/11, Vietnam Airlines cho biết hãng này đã hoàn thành việc cho khách hàng check-in online tại 22 sân bay trong nước trong tháng 11/2022 (sân bay còn lại là Cà Mau sẽ áp dụng vào ngày 8/11; sân bay Rạch Giá làm từ ngày 22/11), đồng thời trở thành hãng đầu tiên áp dụng dịch vụ này trên toàn mạng lưới sân bay ở Việt Nam.

Theo báo Tuổi Trẻ, Vietnam Airlines bắt đầu áp dụng dịch vụ làm thủ tục trực tuyến từ năm 2009, đến tháng 10 năm nay đã thực hiện được 20 sân bay gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Vân Đồn, Cát Bi, Vinh, Chu Lai, Côn Đảo, Phú Quốc, Đà Lạt, Điện Biên, Cần Thơ, Thọ Xuân, Pleiku, Phù Cát, Phú Bài, Đồng Hới, Tuy Hòa và Buôn Ma Thuột.

Các hãng như: Vasco, Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) cũng được áp dụng dịch vụ tương tự, Vietnam Airlines cho biết.

Còn khách hàng của hai hãng hàng không là Vietjet Air và Bamboo Airways có thể thực hiện check-in online ở 4 sân bay lớn gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Phú Quốc.

Theo quy định, hành khách tự check-in chuyến bay trên website của hãng trong khoảng thời gian từ 24h đến 1h trước giờ khởi hành dự kiến.

Sau khi hoàn thành quá trình làm thủ tục trực tuyến, hành khách sẽ nhận được “Thẻ lên máy bay trực tuyến” qua thiết bị điện tử hoặc có thể tự in thẻ, sau đó đến thẳng cửa kiểm tra an ninh hành khách và cửa ra máy bay mà không cần phải vào quầy làm thủ tục của hãng tại cảng hàng không để xác nhận.

Đối với khách có hành lý ký gửi, vẫn sẽ cần đến quầy thủ tục của hãng bay, xuất trình giấy tờ để có thể thực hiện gửi hành lý trước khi lên máy bay.

Liên quan đến tình hình kinh doanh, Vietnam Airlines vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022. Theo đó, dù doanh thu quý 3 có sự phục hồi do nhu cầu đi lại tăng, tuy vậy hãng Vietnam Airlines vẫn lỗ hơn 2.600 tỷ đồng. đồng thời ghi nhận âm vốn chủ sở hữu tới 7.500 tỷ đồng, đứng trước nguy cơ cao bị hủy niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Tính chung 9 tháng, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 51.000 tỷ đồng và tổng lỗ sau thuế gần 7.800 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 11.800 tỷ đồng.

Giải trình về nguyên nhân thua lỗ, hãng hàng không của Việt Nam cho biết thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, chiến tranh Nga – Ukraine kéo dài và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng.

Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022.

Tại thời điểm ngày 30/9/2022, Vietnam Airlines lỗ lũy kế tới 31.547 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,26 tỷ USD, với tỷ giá khoảng 24.900 đồng/USD.

Trước đó, vào đầu tháng 9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng đã lưu ý đến khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines.

Theo quy định tại Nghị định 155, một doanh nghiệp chỉ cần rơi vào một trong ba trường hợp dưới đây đều sẽ bị xem xét hủy niêm yết:

– Kết quả sản xuất, kinh doanh lỗ trong 3 năm liền.

– Tổng số lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.

– Vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Do đó, HoSE lưu ý Vietnam Airlines khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục ghi nhận lợi nhuận cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.

Tuấn Minh