Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, nếu sản lượng xuất khẩu gạo đạt trên 400.000 tấn mỗi tháng trong 2 tháng còn lại của năm 2022, tổng sản lượng xuất khẩu gạo dự kiến đạt mức khoảng 6,8 – 7 triệu tấn.

thu hoach lua xuat khau gao viet nam xuat khau gao gao viet nam
Bất ổn kinh tế, chính trị khiến nhu cầu tích trữ và cầu về lương thực tăng cao, tạo thuận lợi cho gạo Việt Nam xuất khẩu. (Ảnh: hoanghoa.gov.vn)

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam khoảng 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn.

So với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo (từ ngày 9/9/2022), giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đã tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn. Tuy xuất khẩu gạo của Việt Nam những năm gần đây giảm về số lượng nhưng tăng về giá trị.

Theo dự báo, nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu ngành gạo Việt Nam năm 2022 có thể đạt từ 6,8 – 7 triệu tấn.

Trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam sẽ ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị làm cho nhu cầu tích trữ và cầu về lương thực tăng cao hơn bình thường.

Tuy vậy, Việt Nam còn thiếu thương hiệu mạnh ở thị trường nội địa và quốc tế. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ lúa qua thương lái và tỷ lệ phá vỡ hợp đồng còn cao.

Giới chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nắm bắt cơ hội trong việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới, khó tính như Nhật Bản, châu Âu,…

Tại Diễn đàn xuất khẩu gạo hôm 19/11, ông La Vân Phi, Chủ tịch Công ty Đại Dương Seed cho biết yêu cầu kiểm dịch nông sản sang Trung Quốc ngày càng khó hơn và liên tục thay đổi.

“Doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam cần liên tục cập nhật yêu cầu kiểm dịch, bao bì, nhãn mác,…từ Hải quan Trung Quốc và các cơ quan chức năng để tránh tình trạng nông sản lên tới cửa khẩu lại phải quay đầu vì không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu”, ông Phi khuyến cáo, báo Hải quan đưa tin.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cần Thơ cho biết đa phần doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thu mua lúa gạo thông qua trung gian như các thương lái.

Việc thương lái thu mua lúa gạo số lượng ít nhưng với giá cao hơn hẳn so với thị trường cũng tạo ra sự nhiễu loạn về giá, gây nhiều khó khăn trong việc liên kết thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân.

Do đó, ông Nghiêm đề xuất Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương định kỳ công bố giá lúa tươi, lúa khô trong vụ thu hoạch để các đơn vị thu mua và nông dân tham khảo.

Thống kê năm 2021 của Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam là 999.750 tấn. Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ lên mức 719.970 tấn (chiếm hơn 72% tổng lượng nhập khẩu gạo của cả nước).

Chủng loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm (thuộc phân nhóm HS 100640), gạo trắng khác (thuộc phân nhóm HS 100630). Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu…

Bộ Công thương cho rằng việc nhập khẩu gạo dù để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước nhưng với lượng tăng như đã diễn ra trong năm 2021, cùng với việc chưa được quản lý, thống kê đầy đủ có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước.

Đức Minh