Căn bệnh trầm cảm đột nhiên trở thành mối quan tâm của nhiều người sau sự việc người mẹ trẻ sát hại con nhỏ mới 5 tuần tuổi tại Thạch Thất, Hà Nội. Có một số dấu hiện giúp bạn nhận ra mình, hoặc người nào đó đang có nguy cơ trầm cảm.

(ảnh qua lifehack.com)
(ảnh qua lifehack.com)

Theo các chuyên gia, bệnh trầm cảm là vấn đề rối loạn tâm lý. Khi bị căng thẳng hay có những xáo trộn tinh thần cao độ thì tâm lý của người ta rơi vào trạng thái “mất cân bằng”. Nhiều người không biết chia sẻ cùng ai, hoặc thấy chẳng có ai hiểu được mình nữa, vậy nên chỉ im lặng một mình, lâu dần dẫn đến muốn cách biệt và không muốn nói chuyện cùng ai. Một số trường hợp nặng có thể dẫn đến tự tử, hoặc làm nhiều việc cực đoan.

Để biết bạn có nguy cơ bị trầm cảm không, hãy trả lời các câu hỏi một cách nhanh chóng và trung thực, thẳng thắn.

Trong 2 tuần lễ liên tiếp gần đây, những triệu chứng nào sau đây thường xuyên xuất hiện?

1. Bạn có khó ngủ, ngủ ít, thức dậy sớm hoặc ngủ nhiều?

2. Cảm giác mệt mỏi hoặc mất năng lượng, mất sinh lực, uể oải?

3. Ăn mất ngon, ăn ít hoặc ăn quá nhiều?

4. Mất thú vị, hứng thú hoặc mất quan tâm trong sinh hoạt, công việc hoặc giải trí? Mất hứng thứ đến các hoạt động từng ưa thích?

5. Cảm giác buồn rầu, buồn bã hoặc bực bội khó chịu? Khóc nhiều hơn bình thường và thấy xa lánh bạn bè, gia đình? Khó khăn khi liên kết với con cái?

6. Ý nghĩ chán nản, buông xuôi, bỏ mặc bản thân hoặc gia đình, ý nghĩ tự cho mình không xứng đáng hoặc tự buộc tội bản thân?

7. Khó khăn khi tập trung vào việc gì đó, chẳng hạn khi đọc báo, xem tivi?

8. Cảm giác bứt rứt, bồn chồn, đứng ngồi không yên, lo lắng hơn bình thường, hoặc bạn nói và cử động chậm chạp hơn bình thường khiến người chung quanh có thể nhận thấy?

9. Trong 2 tuần lễ đó, bạn đã từng có ý nghĩ muốn chết hoặc muốn tự gây thương tích cho mình không? Hoặc bạn có ý nghĩ không bằng lòng với cuộc sống, chán sống?

10. Bạn có thường xuyên lo lắng về những rối loạn trong cơ thể của mình hay không (nhức đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, nôn, đau cơ, đổ mồ hôi…)

Nếu có 5 câu trả lời “” hoặc nhiều hơn, có thể bạn đã bị những triệu chứng của trầm cảm. Hãy kịp thời gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Bệnh trầm cảm càng ngày càng phổ biến nhưng dễ bị bỏ qua

Họa sĩ mô tả cảm giác khi trầm cảm, bức tranh "đi bộ qua rừng" cái cây đỏ tượng trưng cho cảm giác hạnh phúc không bao giờ có thể với tới (ảnh: Youtube)
Họa sĩ mô tả cảm giác khi trầm cảm, bức tranh “đi bộ qua rừng” cái cây đỏ tượng trưng cho cảm giác hạnh phúc không bao giờ có thể với tới (ảnh: Youtube)

Trầm cảm không xuất hiện các triệu chứng như rõ rệt trên thân thể, như viêm nhiễm, đau đớn bất thường… nên nhiều người dễ bỏ qua. Một số thống kê cho thấy thường xuyên có khoảng 5% dân số ở trong trạng thái trầm cảm, nó có thể đến với bất kỳ ai, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi.

Lên 3 đã có thể bị trầm cảm!

Trong bài viết đăng trên Tạp chí Tâm thần Mỹ, bác sĩ Joan Luby xác nhận những trường hợp trẻ lên 3, lên 4 đã bị trầm cảm. Báo cáo đưa ra ví dụ của nhiều em nhỏ, bố mẹ của bé quan sát thấy những phản ứng tiêu cực, thụ động, chán ăn, không còn quan tâm đến các loại thức ăn vẫn ưa thích hàng ngày. Cường độ biểu hiện ngày càng tăng mặc dù không có sự xáo trộn gì trong gia đình.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ tổng kết thấy có khoảng 3-8% trẻ vị thành niên mắc bệnh trầm cảm. Nhiều khi cha mẹ kết tội trẻ là nhút nhát, lười biếng, cứng đầu, không biết nghe lời, nhưng rất có thể bé đang bị trầm cảm.

Khoảng 20% phụ nữ sau sinh bị trầm cảm

Trầm cảm sau sinh con thường xảy ra và được ghi nhận như một hội chứng. Suốt ngày ở nhà vật lộn giữa bỉm với sữa, con quấy khóc, thường xuyên mất ngủ, đầu bù tóc xõa, ăn mặc xộc xệch… khiến cho nhiều bà mẹ trẻ chỉ muốn phát điên bỏ nhà đi mà không được. Sự xuất hiện thêm thành viên nhí mang lại niềm vui cho mọi người, nhưng không thể phủ nhận áp lực tâm lý lên người mẹ, đặc biệt khi chưa có kinh nghiệm chăm con, hay có sự bất đồng trong phương pháp nuôi dạy với những người khác trong gia đình.

Thiếu vắng sự đồng cam cộng khổ của người chồng được đa phần phụ nữ cảm thấy nản lòng nhất. Nhiều người lựa chọn giải pháp than thở trên các diễn đàn, hoặc xả stress qua mạng xã hội, tuy nhiên vấn đề gốc rễ chưa được giải quyết, lâu ngày cũng gây trầm cảm.

>> 40.000 người Việt tự sát mỗi năm do trầm cảm

Ngồi nhiều gây bệnh trầm cảm

Một nghiên cứu của Úc, được công bố trên Tạp chí Y tế dự phòng Mỹ, chỉ ra rằng nếu ngồi nhiều và thiếu tập thể dục sẽ tăng nguy cơ bị trầm cảm.

Những người phụ nữ ngồi hơn 7h một ngày sẽ có nguy cơ bị căn bệnh này cao hơn 47% so với những người phụ nữ ngồi khoảng 4h hoặc ít hơn.

Nhóm nghiên cứu của Anh cũng có kết luận tượng tự như trên: dành nhiều thời gian trên máy tính của bạn có thể dẫn đến mất ngủ và trầm cảm. Nghiên cứu trên 25.000 người, họ thấy rằng những người làm việc nhiều giờ trước máy tính phàn nàn về cảm giác chán nản, lo lắng, và miễn cưỡng để đi làm vào buổi sáng. Chỉ cần 5h mỗi ngày trước màn hình máy tính là đủ để sinh ra trầm cảm và mất ngủ.

Phòng tránh bệnh trầm cảm như thế nào?

Một số chuyên gia đưa ra lời khuyên về điều chỉnh lối sống và dinh dưỡng như sau:

Tăng khẩu phần ăn có omega-3: Nghiên cứu cho thấy thiếu omega-3 có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm, nhất là ở phụ nữ sau sinh. Bạn có thể tìm omega-3 trong thực phẩm như cá hồi, sardine, cá cơm hay dầu nhuyễn thể.

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B2: Vitamin B2 giúp giảm nguy cơ trầm cảm, bạn có thể tìm thấy trong các loại nấm, rau bina, trứng, thịt bò…

Tập thể dục: Tập thể dục giúp làm giảm chứng trầm cảm, điều này cũng rất tốt cho phụ nữ sau sinh.

Thiền định, khí công: Nghiên cứu cho thấy những môn thập này giúp cơ thể nhanh chóng lấy lại cân bằng cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp giảm stress, phục hồi tổn thương não bộ và dễ dàng vượt qua các cảm giác sợ đau…

Yếu tố cuối cùng và được xem là quan trọng nhất chính là sự kết nối và chia sẻ tinh thần với các thành viên trong gia đình và môi trường xung quanh. Hãy mở lòng, dang tay đón nhận và đồng cảm, bạn sẽ thấy mọi bất hạnh trở nên nhỏ bé.

Minh Hòa

Xem thêm: