Cây bạc hà đã được ứng dụng trong y học cổ truyền phương Đông suốt nhiều thế kỷ. Ở thời Ai Cập cổ đại, Hy Lạp và La Mã, người ta hay dùng bạc hà để làm dịu chiếc dạ dày đang khó chịu.

Ngày nay, tinh dầu bạc hà được giới y khoa khuyên dùng để điều trị rất nhiều loại bệnh khác nhau.

tinh dầu bạc hà
(Ảnh: Madeleine Steinbach/Shutterstock)

1. Tinh dầu bạc hà có thể giúp giảm đau đầu và đau nửa đầu

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thoa tinh dầu bạc hà lên trán và thái dương có thể giúp bạn điều trị chứng đau đầu và chứng đau nửa đầu. Một đánh giá năm 2016 cho thấy tinh dầu bạc hà được khuyến khích sử dụng để điều trị đau đầu dạng căng thẳng ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi. Nhìn chung, các tác giả cho rằng nó có thể có hiệu quả tương đương với thuốc giảm đau không kê đơn phổ biến – acetaminophen (paracetamol hoặc tylenol). 

Nghiên cứu năm 2010 cho thấy bôi tinh dầu bạc hà có hiệu quả hơn giả dược trong việc giảm đau đối với chứng đau nửa đầu không có tiền triệu. Các nhà khoa học không biết chính xác cơ chế nào khiến tinh dầu bạc hà giúp xoa dịu chứng đau đầu và đau nửa đầu, nhưng nó được cho là có tác dụng giúp thư giãn các cơ xung quanh hộp sọ. Bôi tinh dầu bạc hà sẽ làm tăng lưu lượng máu đổ đến khu vực đó nên quá trình chữa bệnh sẽ được đẩy nhanh. Nếu bệnh tình không thuyên giảm sau 15 đến 30 phút thoa dầu bạc hà, bạn nên sử dụng thêm thuốc giảm đau truyền thống như advil, aleve, tylenol, excedrin…

2. Tinh dầu bạc hà có thể giảm cảm giác buồn nôn

Hít mùi hương tinh dầu bạc hà, hoặc nhỏ tinh dầu vào khăn ẩm mát rồi đắp lên trán – đã được chứng minh là có khả năng làm giảm cảm giác buồn nôn ở người mang thai, bệnh nhân chạy hóa trị và bệnh nhân đang hồi phục sau phẫu thuật. 

Trong một nghiên cứu năm 2020, các bệnh nhân được chia thành 2 nhóm như sau: Một nhóm điều trị cơn buồn nôn bằng tinh dầu bạc hà. Nhóm còn lại điều trị bằng tinh dầu bạc hà và thuốc chống buồn nôn theo toa. Cả hai nhóm đều cảm thấy giảm buồn nôn, nhưng những người chỉ chọn dầu bạc hà có cải thiện đáng kể hơn. Tuy nhiên, chất lượng của nghiên cứu vẫn còn nhiều thiếu sót. 

thực vật tốt cho não, bạc hà
(Ảnh: Pixabay)

3. Tinh dầu bạc hà có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị IBS 

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hoá chức năng đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng và thay đổi thói quen đi tiêu mà không tìm thấy tổn thương thực thể nào. Để điều trị IBS, Robert Shulman – MD, bác sĩ tiêu hóa nhi khoa và giáo sư về dinh dưỡng nhi khoa tại Đại học Y Baylor cho biết ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, các bác sĩ thường khuyên dùng viên nang dầu bạc hà trước khi chuyển sang thuốc kê đơn. 

Một phân tích tổng hợp năm 2019 cho thấy những người bị IBS dùng dầu bạc hà có khả năng giảm triệu chứng tổng thể cao hơn 2,4 lần so với những người dùng giả dược và tăng 1,8 lần khả năng bớt đau bụng. Gần như không có loại thuốc kê đơn nào được chấp thuận để điều trị IBS ở trẻ em nên bác sĩ Shulman thường giới thiệu dầu bạc hà cho bệnh nhi của mình.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ cơ chế hoạt động chính xác của dầu bạc hà, nhưng về cơ bản, nó có đặc tính chống co thắt, có thể làm giãn các mô cơ trơn của đường tiêu hóa dưới ở những người bị IBS. 

Để tránh bị ợ chua, bác sĩ Shulman khuyên chúng ta nên chọn loại viên nang được bọc enteric (tan trong ruột). Sau một tuần uống viên nang dầu bạc hà mà chứng IBS không được cải thiện thì nghĩa là bạn không hợp với cách chữa này. Những người mắc chứng ợ nóng nghiêm trọng nên tránh dùng dầu bạc hà.

Lời khuyên chung: Những người bị IBS nên uống viên nang dầu bạc hà 2 lần một ngày, uống hàng ngày để nhận được kết quả tốt nhất.

tinh dầu bạc hà
(Ảnh: Antonova Ganna/Shutterstock)

4. Dầu bạc hà có thể làm dịu cơn ngứa

Có rất ít nghiên cứu thực sự chỉ ra công dụng của dầu bạc hà trong việc điều trị ngứa do côn trùng cắn, phát ban do cây thường xuân độc hoặc chữa lành sẹo. Nhưng Lisa Ravindra – MD, trợ lý giáo sư y khoa và là bác sĩ nội khoa được hội đồng chứng nhận tại Trung tâm Y tế Đại học Rush ở Chicago cho biết, dầu bạc hà là sự thay thế hợp lý cho các loại kem bôi hydrocortisone không kê đơn. 

Bạn lưu ý không sử dụng quá 2 tuần vì nó có tác dụng phụ tiềm ẩn như làm mỏng da, đổi màu da và nổi mụn. Dầu bạc hà có thể giúp giảm ngứa vì nó có khả năng làm mát da và làm mất tập trung các dây thần kinh xung quanh chỗ ngứa. Bac sĩ Ravindra nói rằng không nên thoa dầu bạc hà lên vùng da bị rạn vì nó có thể gây bỏng hoặc làm vết thương thêm trầm trọng.

Theo bác sĩ Ravindra, bạn nên mua tinh dầu hữu cơ, không bị xử lý bằng thuốc trừ sâu tổng hợp hoặc phân bón. Bạn có thể thoa dầu bạc hà ngay mà không cần pha loãng. Tùy trường hợp, nếu cần loại tinh dầu bớt đậm đặc, bạn hãy pha nó với dầu dừa hoặc dầu argan. 

Dầu bạc hà có nguy cơ độc tính rất thấp, dù bạn bôi ngoài da hay uống viên nang. Nhưng nếu bị kích ứng, mẩn đỏ, phồng rộp ở nơi thoa dầu thì bạn hãy ngừng sử dụng. Cha mẹ không nên để dầu bạc hà ở gần trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi nó có thể gây ra vấn đề về hô hấp.

Minh Minh (Theo Insider)

Xem thêm: