Một số căn bệnh nguy hiểm thường chỉ bắt đầu với những biểu hiện rất nhỏ nhặt. Cơ thể trẻ sơ sinh còn rất non nớt, vậy nên khi thấy điều bất thường, dù là nhỏ nhất, ba mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

trẻ sơ sinh, bệnh dễ gặp ở trẻ sơ sinh
(Ảnh: Filip Mroz/Unsplash)

1. Thở nhanh, thở khò khè

Nhịp thở trung bình của trẻ sơ sinh là 40-60 lần/phút, người trưởng thành là 12-20 lần/phút, nhịp thở của các bé thường nhanh hơn thông thường. Nhưng nếu bé thở nhiều hơn 60 lần/phút, đây có thể là dấu hiệu bất ổn về sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ mắc viêm phổi cao.

Để quan sát nhịp thở, mẹ hãy ôm bé vào lòng lúc bé đang ngủ. Tắt hết các thiết bị gây tiếng động trong nhà. Bật điều hòa ấm áp (nếu trong nhà bị lạnh) rồi vén áo trẻ lên quá phần ngực. Mẹ đếm nhịp thở bằng cách nhìn vào bụng hoặc ngực trẻ, mỗi lần hít vào thở ra là một nhịp. Lưu ý mẹ phải đếm liên tục trong 1 phút vì nhịp thở của trẻ sơ sinh thường không đều đặn.

Nguyên nhân dẫn đến việc bé thở không đều, nhanh, bị khò khè có thể do bị dị ứng, cảm lạnh, hen suyễn, viêm phổi, suy hô hấp. Ba mẹ cần đảm bảo đắp chăn kín đáo cho con, vệ sinh đồ chơi, quần áo trực tiếp tiếp xúc hàng ngày với làn da của con, dùng nước muối sinh lý (loại dùng cho trẻ sơ sinh) vệ sinh mũi và miệng cho con.

Khi phát hiện con có nhịp thở bất thường ba mẹ phải đưa con đi khám để nhận lời khuyên chính xác từ bác sĩ.

2. Đau nên khóc không ngừng

Tất nhiên trẻ sơ sinh sẽ hay khóc. Nhưng nếu ba mẹ đã chuẩn bị chăn ấm đệm êm, thay tã thường xuyên, sữa uống đầy đủ, phòng ngủ thoáng mát mà con vẫn hay khóc, đó có thể là dấu hiệu của một cơn đau. Trẻ nhỏ chưa biết phản ứng thế nào khi cảm thấy đau đớn, mệt mỏi nên chỉ biết khóc để thu hút sự chú ý của người lớn. Nếu con khóc không ngừng, lại có cảm giác hơi rên rỉ thì ba mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ.

trẻ sơ sinh
(Ảnh: Shutterstock)

3. Da tái

Hầu hết trẻ mới sinh ra sẽ có màu xanh tím, do khi còn trong bụng mẹ trẻ tiếp nhận oxy qua dây rốn và tử cung, khi được đưa ra ngoài, các bác sĩ sẽ tiến hành cắt dây rốn, làn da trẻ tiếp xúc với môi trường không khí mới sẽ thay đổi màu sắc. Sau khi được ủ ấm, làn da của các con sẽ hồng hào trở lại. Quan sát vài tiếng sau, nếu đầu, lưng, bụng… của bé vẫn còn màu xanh tái như ban đầu là rất nguy hiểm, đây rất có thể là biểu hiện bé bị thiếu oxy lên não.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến màu da tái cho bé như: thiếu máu, bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi, thiếu oxy. Khi thấy làn da của bé không có màu hồng hào (lại có biểu hiện không bú hoặc nhịp thở bất thường), ba mẹ phải đưa con đi khám ngay.

4. Vàng da

Trong vòng 72 giờ sau sinh, các bé sẽ được kiểm tra bệnh vàng da tại bệnh viện để được điều trị kịp thời. Khi đã xuất viện rồi ba mẹ cần chú ý các biểu hiện sau để biết con có mắc bệnh hay không: Vàng lòng bàn tay, lòng bàn chân; vàng vùng tròng trắng của mắt; nước tiểu có màu tối hoặc màu vàng; phân nhạt màu thay vì màu vàng hay da cam ở trẻ sơ sinh bình thường.

Để kiểm tra da của con, ba mẹ dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ vào da, giữ trong vài giây rồi quan sát mức độ vàng ở vùng da đó.

– Nếu chỉ thấy vàng da từ trán xuống ngực thì ba mẹ tạm thời yên tâm, đó là vàng da sinh lý, sẽ khỏi trong 1 tuần, có thể theo dõi ở nhà.
– Nếu thấy trẻ vàng da đến bụng hoặc đến đùi, cẳng chân thì cần phải đến gặp bác sĩ vì đây là vàng da bệnh lý.

Đối với trẻ bị vàng da bệnh lý, nếu không được hỗ trợ và điều trị đúng lúc, chất bilirubin chạy vào não, gây bại não, thậm chí sẽ bị nhiễm độc thần kinh, gây co giật, hôn mê rồi gây tử vong.

chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ sơ sinh
(Ảnh: Shutterstock)

5. Sốt

Khi mắc những bệnh lý như viêm mũi họng, sốt do cảm cúm, virus… trẻ sơ sinh dễ bị nóng sốt kèm theo những dấu hiệu như ho, sổ mũi, hắt hơi, phát ban. Nếu bé dưới 3 tháng tuổi có nhiệt độ trên 38°C thì cần được đưa đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Mẹ không dùng thuốc hạ sốt cho bé trừ khi được bác sĩ cho phép. Sốt ở bé dưới 3 tháng tuổi rất nguy hiểm vì trẻ sơ sinh không có dấu hiệu nhiễm trùng nặng như các bé lớn. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng máu mà không có các triệu chứng điển hình.

6. Phát ban

Khi mới được sinh ra, trên đầu trẻ sơ sinh sẽ xuất hiện vết đỏ giống như bị muỗi đốt. Trên mặt bé cũng có thể nổi vết ban như vậy nhưng không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nguyên nhân khiến bé bị nổi ban có thể kể đến: dị ứng sữa tắm, nấm da đầu, tăng tiết bã nhờn, dị ứng vải… Trường hợp ban nhẹ, mẹ chỉ cần chăm sóc con bình thường, vệ sinh đồ dùng quần áo cẩn thận là con sẽ khỏi sau 1 tuần.

Với các nốt ban vô hại, ba mẹ ấn nhẹ tay vào sẽ thấy chúng mờ đi. Còn những nốt không mờ đi, lại mọc chi chít trên ngực, lưng, cánh tay, chân của bé (đi kèm biểu hiện quấy khóc, nôn sữa, ho hắng) thì ba mẹ phải cho con tới bệnh viện. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như viêm màng não hoặc bệnh về máu.

muoi hut mau tre so sinh
(Ảnh: Shutterstock)

7. Cứng bụng

Bụng trẻ sơ sinh vốn có kích thước lớn hơn so với cơ thể, khi được bú no lại càng phình lên nữa, nhưng ba mẹ sờ vào sẽ luôn có cảm giác mềm. Nếu ba mẹ nhận thấy bé hay khóc bất thường, sờ vào bụng thấy cứng chặt, không đi tiêu trong 1-2 ngày (hoặc các biểu hiện nghiêm trọng hơn như nôn mửa, đi phân lỏng, phân có máu,…) thì có thể bé đã mắc một bệnh lý cấp tính về hệ tiêu hóa. Vì ba mẹ không thể lường trước được con mắc bệnh cụ thể thế nào nên cần gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị an toàn nhất.

Minh Minh

Xem thêm: