Đang có ngày càng nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc đã hồi phục ở Ấn Độ bị nhiễm một căn bệnh nấm gây chết người hiếm gặp, các bác sĩ nói với AFP hôm thứ Hai (10/5) khi đất nước này tiếp tục gồng mình để ngăn chặn đại dịch corona đang bùng phát mạnh trở lại.

Embed from Getty Images

Quốc gia đông dân thứ hai thế giới hôm thứ Hai đã ghi nhận gần 370.000 ca nhiễm virus corona, đưa tổng số ca mắc gần tới 22,7 triệu và hơn 3.700 ca tử vong mới.

Các chuyên gia cảnh báo rằng số trường hợp mắc và tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều.

Mucormycosis, được các bác sĩ ở Ấn Độ gọi là “nấm đen”, thường tấn công mạnh nhất ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch bị suy yếu do các bệnh nhiễm trùng nền khác. Tỷ lệ tử vong do nhiễm nấm đen là 50%.

Các chuyên gia y tế cho biết họ đã thấy sự gia tăng các ca bệnh này ở Ấn Độ trong những tuần gần đây, trong khi Bộ Y tế hôm Chủ nhật đã đưa ra những tư vấn về cách điều trị bệnh nấm này.

Atul Patel, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Ahmedabad, cũng là thành viên của lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của bang, nói với AFP: “Các trường hợp nhiễm mucormycosis ở bệnh nhân đã hồi phục sau COVID-19 cao gần gấp 4 đến 5 lần so với con số được báo cáo trước đại dịch.”

Khusrav Bajan, bác sĩ tư vấn tại Bệnh viện Quốc gia PD Hinduja của Mumbai và cũng là một thành viên của lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của bang, cho biết tại bang phía tây Maharashtra, nơi có trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ, có tới 300 trường hợp nhiễm “nấm đen” được phát hiện.

Khoảng 300 trường hợp khác cũng đã được ghi nhận ở bốn thành phố của bang Gujarat, bao gồm cả thành phố lớn nhất là Ahmedabad, theo dữ liệu từ các bệnh viện nhà nước.

Bang miền Tây này đã ra lệnh cho các bệnh viện của chính phủ thành lập các khu điều trị riêng cho những bệnh nhân bị nhiễm “nấm đen” trong bối cảnh số ca bệnh này đang gia tăng.

Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), cơ quan khoa học hàng đầu của chính phủ về phản ứng – đối phó, cho biết trong một phác đồ điều trị được công bố trên Twitter: “Mucormycosis – nếu không được chăm sóc – có thể gây tử vong.”

Những người mắc COVID-19 dễ bị nhiễm nấm hơn, bao gồm những người mắc kèm  bệnh tiểu đường thiếu kiểm soát, những người đã sử dụng steroid trong quá trình điều trị virus và những người phải nằm trong khu săn sóc đặc biệt của bệnh viện (ICU) trong thời gian dài, ICMR cho biết thêm.

Bệnh nhân bị nhiễm “nấm đen” thường có các triệu chứng nghẹt mũi và chảy máu mũi, sưng và đau mắt, sụp mí mắt, và mờ và cuối cùng là mất thị lực.

Các bác sĩ nói rằng, hầu hết các bệnh nhân đều nhập viện khi quá muộn và họ đã mất thị lực, nên việc phải cắt bỏ mắt là bắt buộc để nấm không lan lên não. Thậm chí, trong một số trường hợp, bác sĩ phải cắt bỏ xương quai hàm của bệnh nhân để ngăn nấm lây lan.

Liệu pháp điều trị “nấm đen” bao gồm phẫu thuật loại bỏ tất cả các mô chết và bị nhiễm trùng, kết hợp sử dụng liệu pháp chống nấm. 

Nhưng Yogesh Dabholkar, một chuyên gia tai mũi họng tại Bệnh viện DY Patil ở Mumbai, nói với AFP rằng các loại thuốc dùng để điều trị cho những người bị nhiễm nấm rất đắt. Người bệnh sẽ phải tiêm liên tục 1 liều thuốc giá 48 USD mỗi ngày trong tối đa 8 tuần.

Ông nói thêm, một trong những loại thuốc điều trị bệnh này cũng đang thiếu hụt trong các bệnh viện của chính phủ trước tình trạng các ca bệnh gia tăng đột biến.

Tiến Minh (theo CNA)

Xem thêm: