Cuộc sống thời hiện đại áp lực công việc nhiều, hay phải ăn uống thất thường… khiến bệnh về đường tiêu hóa trở thành một căn bệnh phổ biến. Đặc biệt, việc tiết axit dạ dày quá mức có thể dễ dàng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây loét dạ dày. Một số người thường xuyên phải dùng thuốc dạ dày, gây tác dụng phụ không tốt. Để khắc phục vấn đề về đường tiêu hóa, trong chế độ ăn thường ngày hãy bổ dung thêm bắp cải để hệ thống tiêu hóa được bảo vệ tốt hơn, hỗ trợ cải thiện bệnh về dạ dày.

bắp cải
Cải bắp không chỉ bảo vệ hệ thống tiêu hóa cơ thể mà còn có nhiều lợi ích như ngăn ngừa ung thư và loãng xương (Ảnh từ commonhealth)

Cải bắp thường được mô tả như một loại thực phẩm siêu rẻ, nhưng loại rau này không chỉ có tác dụng rất tốt phòng ngừa và hỗ trợ trị bệnh dạ dày, còn có tác dụng chống ung thư tuyệt vời và điều hòa lượng đường trong máu.

Cải bắp, “sâm Cao Ly” trong loại rau

Cải bắp là rau họ cải. Trước đây tại Trung Quốc từng có chuyên gia Nhật Bản vì thích loại rau này, và để khuyến khích mọi người dùng ông đã ví nó là “sâm Cao Ly”, hệ quả là tại Trung Quốc người ta gọi nó là “rau Cao Ly”, chính là loại rau mà người Việt Nam gọi là cải bắp, hoặc bắp cải.

Bắp cải quanh năm đều có thể mua được, đặc biệt là trong thời kỳ năng suất cao thì giá cả loại “nhân sâm” này rất rẻ. Bản thân bắp cải có chứa vitamin B, C và K, cũng có nhiều loại nguyên tố vi lượng như canxi, phốt pho, kali và sắt. Nhà dinh dưỡng học nổi tiếng Trung Quốc Trần Tiểu Vi (Chen Xiaowei) đã chỉ ra, cứ mỗi 100 gram bắp cải có chứa 1,3 gram chất xơ, những người có nhu cầu kiểm soát cân nặng nhưng lại hay ăn nhiều, có thể ăn bắp cải giúp làm tăng cảm giác no.

bắp cải
Bắp cải là loại rau rất dễ trồng (Ảnh: Wikipedia)

Trong sách “Bản thảo thập di” của Trung Quốc thời cổ đại có ghi chép về giá trị của bắp cải, đại ý là: “Bắp cải bổ xương tủy, ích lục phủ ngũ tạng, trợ khớp, thông khí kinh lạc, sáng mắt thính tai, khỏe người, trợ tim, kiệt gân cốt…”.

Bảy loại lợi ích của cải bắp

1. Bảo vệ đường tiêu hóa

Giới nghiên cứu Nhật Bản phát hiện, glucosinolates trong bắp cải có thể tiêu diệt khuẩn helicobacter pylori, giúp phòng ngừa viêm dạ dày; còn vitamin U trong bắp cải là chất chống lở loét, có thể thúc đẩy sự trao đổi chất đường tiêu hóa và giúp chữa trị vùng niêm mạc tổn thương, làm giảm thương tổn do loét dạ dày và loét tá tràng. Lượng chất xơ phong phú trong bắp cải có thể thúc đẩy nhu động đường ruột và cải thiện chứng táo bón.

2. Giảm nguy cơ mắc 4 loại bệnh ung thư

Trong cuốn sách “Sức mạnh chống ung thư”, Tiến sĩ Dược học Nhật Bản Satoshi Ikuta đã chỉ ra, bắp cải là loại thực vật khiến các tế bào ung thư khó chịu nhất.

Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI) tổng kết lại nghiên cứu trong nhiều năm, khẳng định rằng các loại rau họ cải có thể làm giảm nguy cơ đối với 4 loại bệnh ung thư: ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt. Hai loại chất Indole và isothiocyanates trong các loại rau họ cải giúp ức chế sự phát triển của ung thư.

bắp cải
Ăn bắp cải có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư (Ảnh: Wikimedia Commons)

3.Ngăn ngừa loãng xương

Bắp cải rất giàu vitamin K, hỗ trợ hiệu ứng đông máu tốt, giúp thúc đẩy nhanh chóng lành vết thương; đồng thời giúp hấp thu canxi để xương và răng ổn định, thúc đẩy xương phát triển và ngăn ngừa loãng xương.

4. Chống oxy hóa và lão hóa

Cải bắp có đặc tính chống oxy hóa và chống lão hóa tốt, chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C và surforaphane. Tuy nhiên, khi nấu không nên đun sôi quá lâu để tránh mất chất dinh dưỡng. Chuyên gia Trần Tiểu Vi (Chen Xiaowei, Đài Loan) đề nghị khi nấu bắp cải không nên quá 30 phút.

5. Giải độc

Chất Sulforaphane giúp tăng cường khả năng giải độc của hệ thống enzyme trong cơ thể, và giúp điều chỉnh độc tố gây hại cho DNA của cơ thể người.

6. Bảo vệ tim mạch

Bắp cải có thể làm giảm huyết áp, bảo vệ sức khỏe tim mạch. Trong số đó, bắp cải tím đặc biệt hữu ích trong phòng chống bệnh tim mạch, nguyên nhân vì trong bắp cải tím có chất anthocyanidins. Các nghiên cứu đã xác định anthocyanidins có thể làm giảm xác suất bệnh tim, trong khi bắp cải tím chứa tới 36 loại anthocyanins.

7. Điều chỉnh lượng đường trong máu

Bắp cải rất giàu chất xơ, có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu; chất crom trong bắp cải cũng giúp điều hòa lượng đường trong máu.

Thanh Xuân

Xem thêm: