Một nghiên cứu mới nhất của nhóm bác sĩ Trung Quốc cho thấy thời gian ủ bệnh của virus corona mới (nCoV) có thể lên tới 24 ngày.

virus corona1
(Ảnh: Shutterstock)

Theo The Epoch Times, nghiên cứu của bác sĩ hô hấp nổi tiếng Trung Quốc Zhong Nanshan, cùng 38 nhà nghiên cứu Trung Quốc khác công bố hôm 9/2 phát hiện rằng thời gian ủ bệnh trung bình của virus corona mới là 3 ngày, nhưng thời gian ủ bệnh tối đa có thể lên tới 24 ngày.

Nghiên cứu của bác sĩ Zhong Nanshan và các cộng sự dựa vào phân tích khoảng 1.100 bệnh nhân tại 552 bệnh viện trên khắp 31 tỉnh/thành Trung Quốc.

Nghiên cứu cũng phát hiện rằng chỉ chưa tới 1/2 bệnh nhân có biểu hiện sốt lúc khởi phát bệnh, nhưng đa số họ (khoảng 88%) bắt đầu sốt sau khi nhập viện.

Nghiên cứu nêu trên cũng không loại trừ khả năng về “siêu lây lan”, đề cập tới những người bệnh có thể truyền nhiễm cho rất nhiều người khác.

Truyền nhiễm nhanh từ người sang người

Nghiên cứu của bác sĩ Zhong Nanshan cũng phát hiện thêm các bằng chứng về truyền nhiễm từ người sang người: khoảng 160 người – 26% không phải là cư dân Vũ Hán – đã không di trú tới Vũ Hán trước khi bị chẩn đoán nhiễm nCoV và họ cũng không có bất kỳ tiếp xúc nào với người dân Vũ Hán.

Dịch 2019-nCoV lây lan nhanh từ người sang người,” nghiên cứu kết luận.

>>CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán (sáng 11/2)

Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ có khoảng 1,2% bệnh nhân nhiễm nCoV đã tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã. Giới chức Trung Quốc trước đó đã cho rằng dịch nCoV bùng phát liên quan tới một chợ bán buôn hải sản và động vật hoang dã ở ngoại ô thành phố Vũ Hán.

Rủi ro lây lan nCoV trong nước thải

Nghiên cứu của bác sĩ Zhong Nanshan và cộng sự đã trích dẫn một thí nghiệm gần đây trong phòng thí nghiệm, nơi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 4 trong số 62 mẫu phân được xét nghiệm dương tính với virus corona mới. Một thí nghiệm riêng biệt khác đã xác định thêm 4 bệnh nhân có mẫu bệnh phẩm đường tiêu hóa, nước bọt hoặc nước tiểu phản ứng dương tính với virus corona.

Ông Sean Lin, chuyên gia vi trùng học và từng là nhà nghiên cứu virus cho quân đội Mỹ nói rằng việc phát hiện virus trong đường tiêu hóa dấy lên quan ngại sức khỏe lớn, đặc biệt đối với những người nghi nhiễm nCoV đang được cách ly tại nhà.

Ông Sean Lin nói với The Epoch Times: “Khi chúng ta xả nước vệ sinh, mọi thứ có thể chảy vào hệ thống nước thải của tòa nhà, và nếu có bất kỳ mầm bệnh truyền nhiễm nào, thì đó sẽ là vấn đề.

Chuyên gia Sean Lin nói thêm rằng nước xoáy trong bồn cầu khi xả cũng có thể khiến cho các hạt virus bay vào không khí và tạo ra các sol khí (khí dung) có hại. Đó là một trong những lý do để chúng ta nên đậy nắp bồn cầu khi xả nước.

Từ một góc nhìn khác, việc phát hiện dấu vết virus ở trong đường tiêu hóa của bệnh nhân có thể cho thấy virus này thích nghi tốt với các cơ quan khác của con người ngoài phổi và đường hô hấp. Theo ông Sean Lin, các trường hợp bệnh nhân nhiễm virus corona mới bị tiêu chảy có thể là dấu hiệu cho thấy mật độ nhiễm khuẩn trong đường ruột rất cao.

Hồi dịch SARS bùng phát năm 2003, khu nhà phức hợp Amoy Gardens tại Cửu Long, Hồng Kông đã có tới 321 người nhiễm bệnh vào tháng 4/2003. Giới chức địa phương khi đó tin rằng hệ thống nước thải nhiễm virus và lây lan từ người sang người là hai tác nhân chính dẫn tới truyền nhiễm trên diện rộng như vậy.

>>Di tản hơn 100 cư dân chung cư sau khi 2 người nhiễm virus corona ở Hồng Kông

Sáng sớm ngày 11/2, giới chức Hồng Kông cũng đã phải tiến hành sơ tán khoảng 100 người khỏi một chung cư cao tầng sau khi hai cư dân sống ở hai tầng riêng biệt bị nhiễm virus corona mới. Các căn hộ trong chung cư này chia sẻ chung hệ thống thoát nước. Giới chức y tế địa phương đã thu thập mẫu nước thải tại chung cư này để xét nghiệm.

Xuân Thành