Tiến sĩ Anne Schuchat, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nói rằng việc hiểu rõ nguồn gốc của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) là rất quan trọng. Vì sao các nhà khoa học cần tìm ra nguồn gốc của các bệnh truyền nhiễm? Tại sao những suy đoán về rò rỉ trong phòng thí nghiệm lại đáng được điều tra? Điều này có liên quan đến sự an toàn của chúng ta không? Phân tích chi tiết của tác giả Đổng Vũ Hồng (Dong Yuhong), một chuyên gia virus học châu Âu và là nhà khoa học trưởng của một công ty công nghệ sinh học, sẽ góp phần giải đáp.

shutterstock 1645555495
(Ảnh minh họa: Parilov/ Shutterstock)

Như đã biết, vấn đề nguồn gốc của COVID-19 mới đây lại thành điểm nóng bàn luận của cộng đồng quốc tế. Dịch bệnh này đã bùng phát trong một năm rưỡi với con số ca nhiễm bệnh được xác nhận chính thức gần 200 triệu và làm hàng triệu người tử vong, nhưng cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguồn gốc của đại dịch. Hiện nay có hai suy đoán chính: nguồn tự nhiên và phòng thí nghiệm. Nhưng suy đoán phòng thí nghiệm luôn bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc xem là thuyết âm mưu mang yếu tố chính trị, qua đó đã ngăn cản các nhà khoa học trên khắp thế giới điều tra theo hướng này. Sau đây là những nội dung chia sẻ liên quan của nhà khoa học Đổng Vũ Hồng trong cuộc phỏng vấn ông do Epoch Times thực hiện:

Tại sao chúng ta nên tìm nguồn gốc của COVID-19?

Trên thực tế, không chỉ COVID-19 mà tất cả các bệnh truyền nhiễm đều phải được điều tra nguồn của chúng, vì điều này rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm.

Việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm gồm ba vấn đề chính: kiểm soát nguồn lây nhiễm, cắt đứt con đường lây nhiễm, bảo vệ nhóm người nhạy cảm dễ bị lây nhiễm. Trong đó quan trọng nhất là phải kiểm soát được nguồn lây nhiễm, nếu khâu này không làm được thì thực hiện hai khâu sau cũng khó triệt để được. 

Việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm gồm ba vấn đề chính:

  1. Kiểm soát nguồn lây nhiễm
  2. Cắt đứt con đường lây nhiễm
  3. Bảo vệ nhóm người nhạy cảm dễ bị lây nhiễm 

Chẳng hạn ở Thượng Hải vào mùa xuân năm 1988 xảy ra một trận dịch viêm gan A khiến tổng cộng 310.000 người mắc và làm 31 người tử vong, từng gây hoang mang. Khi đó Hệ thống Vệ sinh và Chống dịch bệnh Thượng Hải đã mở cuộc điều tra, và kết quả là phát hiện virus viêm gan A có nguồn gốc từ ấu trùng ở một số vùng biển.

Hồi đó người dân Thượng Hải ăn sò huyết bằng cách ngâm trong nước sôi, sau đó cạy vỏ bằng đồng xu rồi thêm chút gia vị vào sò chưa chín và cứ thế ăn. Cách ăn sò huyết sống chưa khử trùng đầy đủ ở nhiệt độ cao này đã khiến virus viêm gan A ở sò nhiễm vào đường tiêu hóa và gan người ăn, gây ra bệnh.

Sau khi làm rõ nguồn, chính quyền địa phương đã cấm bán sò huyết và thay đổi thói quen ăn sống của người dân, nhờ đó dịch viêm gan A từng bước được kiểm soát.

Một ví dụ khác là Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS), là bệnh do virus corona gây ra gần tương tự như COVID-19. Vào năm 2012, dịch MERS bùng phát ở Trung Đông, một người Qatar từng đến Ả Rập Xê Út đã mắc MERS và cuối cùng thiệt mạng. Trong bảy năm sau đó, MERS đã lây nhiễm cho hơn 2500 người và khiến hơn 800 người thiệt mạng.

Sau khi phân tích trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học xác định MERS có nguồn gốc từ lạc đà một bướu, từ đó có biện pháp kiểm soát sự lây lan của MERS bằng cách không cho mọi người tiếp xúc lạc đà và chỉ ăn thịt lạc đà đã được nấu chín kỹ và uống sữa lạc đà tiệt trùng. Nhưng MERS hiếm nhiễm từ người sang người.

Ví dụ khác, nguồn lây chủ yếu của bệnh cúm gia cầm là gia cầm, do đó khi bùng phát dịch phải giết và kiểm soát việc tiêu thụ gia cầm mắc bệnh tại khu vực nhất định liên quan; hay như nguồn lây bệnh chính của dịch hạch là các loài gặm nhấm như chuột và bọ chét trên cơ thể chúng, vì vậy kiểm soát sự lây lan dịch hạch là kiểm soát nơi cư trú của các loài gặm nhấm trong môi trường sống của con người…

Nói cách khác, mục đích tìm nguồn gốc của virus là để kiểm soát hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh.

Việc điều tra nguồn bệnh truyền nhiễm có thể mất nhiều thời gian

Để tìm ra nguồn gốc của một căn bệnh truyền nhiễm mới, các nhà khoa học có thể phải bỏ ra khoảng thời gian đáng kể để điều tra và tìm kiếm theo nhiều kịch bản khác nhau.

Lấy dịch SARS bùng phát năm 2003 làm ví dụ, các nhà khoa học đã mất khoảng 14 năm để tìm ra nguồn gốc của SARS. Ban đầu người ta cho rằng vật chủ tự nhiên là cầy hương, sau đó lại thay đổi quan điểm rằng vật chủ tự nhiên có thể là dơi, còn cầy hương là vật chủ trung gian. Cho đến năm 2017 thì các nhà nghiên cứu đã tìm thấy SARS trong quần thể dơi hoa cúc ở hai hang động tại tỉnh Vân Nam, phát hiện trong cơ thể chúng có tất cả các thành phần bộ gen của virus SARS, như vậy về cơ bản trả lời được câu hỏi về nguồn gốc của SARS.

Tại sao các nhà khoa học nghi ngờ có thể COVID-19 đến từ phòng thí nghiệm?

Vậy thì đối với COVID-19, tại sao giới khoa học lại có xu hướng điều tra hai khả năng là nguồn tự nhiên và phòng thí nghiệm?

Loại COVID-19 đang gây thảm họa hiện nay có một số điểm tương đồng nhất định với SARS về cấu trúc và bộ gen. Vào thời kỳ đầu của dịch bệnh, các nhà khoa học thường tin rằng COVID-19 cũng giống như SARS, ban đầu đến từ loài dơi. Tuy nhiên, mức độ tương đồng cao nhất giữa COVID-19 và virus corona dơi chỉ là 88%, và độ tương đồng với SARS là 79%, cho thấy chúng không tương ứng.

Hơn nữa, nếu virus có nguồn gốc từ dơi thì chí ít cần “vật chủ trung gian” mới hoàn thành việc lây lan giữa các loài, vì theo như hiện nay được biết là virus từ dơi không thể lây nhiễm trực tiếp sang người. Nhưng vì vẫn chưa tìm thấy vật chủ động vật trung gian hợp lý nào nên vẫn chưa thể khẳng định giả thuyết COVID-19 xuất phát từ môi trường tự nhiên là đúng.

Mặt khác, “bệnh nhân số 0” của COVID-19 vẫn luôn là một ẩn số. Quan điểm phổ biến ban đầu cho rằng bệnh nhân số 0 là một ông già mắc bệnh Alzheimer, và trường hợp này không liên quan đến chợ đồ tươi sống Hoa Nam Trung Quốc. Cho đến ngày 23/5, tờ Wall Street Journal trích dẫn nguồn tin từ tình báo Mỹ cho biết vào đầu tháng 11/2019 có ba nhà nghiên cứu từ Viện Virus Vũ Hán đã “mắc bệnh hiểm nghèo” và được đưa đến bệnh viện để điều trị. Chính diễn biến mới này khiến giới khoa học chú ý nhiều hơn đến một nguồn khác có thể có của COVID-19, đó là rò rỉ trong phòng thí nghiệm.

Khác các loại bệnh chung của người và động vật thường có nguồn gốc từ động vật, ngay từ đầu COVID-19 đã có sự tương ứng cao lây nhiễm cho người và nhanh chóng có hiện tượng lây truyền từ người sang người và siêu lây nhiễm.

COVID-19 có một số cấu trúc di truyền rất độc đáo mà chưa thấy trong các virus liên quan gần gũi cũng như từ tự nhiên, nhưng có thể được thực hiện chèn vào bằng phương pháp phòng thí nghiệm, chẳng hạn như điểm cắt furin.

Nói cách khác, khả năng COVID-19 rò rỉ trong phòng thí nghiệm cũng cần được tìm hiểu kỹ giống như khả năng đến từ nguồn tự nhiên.

Cho đến nay, không có bằng chứng đầy đủ nào để chứng minh hoặc phủ nhận bất kỳ giả thuyết nào về nguồn gốc của COVID-19, cho dù đó là vật chủ tự nhiên hay do rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, sẽ là phi lý và thiếu trách nhiệm nếu tự ý vội phủ nhận một trong những khả năng này khi không có đủ bằng chứng.

Lịch sử ghi nhận nhiều vụ rò rỉ virus trong phòng thí nghiệm

Virus rò rỉ từ các phòng thí nghiệm cũng là một nguồn dịch bệnh truyền nhiễm không phải hiếm thấy. Trong lịch sử đã có nhiều sự cố rò rỉ mầm bệnh trong phòng thí nghiệm, chẳng hạn như vụ lây nhiễm virus Marburg ở Đức vào năm 1967 và rò rỉ bệnh than ở Liên Xô trước năm 1979.

Trong thời gian gần đây, kể từ sau dịch SARS bùng phát vào năm 2003, đã có 3 trường hợp rò rỉ virus SARS trong phòng thí nghiệm gây lây nhiễm nghiêm trọng xảy ra ở Singapore, Đài Loan và Bắc Kinh.

Vào tháng 9/2003, một nghiên cứu sinh 27 tuổi của Đại học Quốc gia Singapore đã bị nhiễm virus SARS trong phòng thí nghiệm, đến cuối tháng đó Bộ trưởng Bộ Môi trường Singapore đã xin lỗi người dân Singapore về sự lây nhiễm SARS. Ông cho biết Viện Sức khỏe Môi trường, Cơ quan Môi trường Quốc gia và bản thân ông đều phải chịu trách nhiệm, vì kết quả điều tra cho thấy có vấn đề an toàn của phòng thí nghiệm.

Tháng 12/2003, một Trung tá 44 tuổi họ Chiêm (Zhan) của Viện Y tế Dự phòng Quân đội Đài Loan đã mắc SARS do sơ suất trong quá trình xử lý chất thải rò rỉ từ cabin vận chuyển của phòng thí nghiệm. Hội đồng Khoa học Đài Loan đã xác định Trung tá Zhan vi phạm quy định về nguyên tắc an toàn Phòng thí nghiệm của kế hoạch nghiên cứu dự án SARS, sơ suất trong việc loại bỏ chất thải trong phòng thí nghiệm mà không chủ động báo cáo, sau đó đã đến Singapore để họp và phát sốt mà vẫn không thông báo ngay. Cuối cùng Trung tá Zhan bị xử phạt không xin được tài trợ cho dự án nghiên cứu.

Tháng 4/2004, một nghiên cứu sinh họ Tống (Song) thuộc Đại học Y An Huy đã thực tập tại Phòng thí nghiệm Tiêu chảy của Viện Virus học Bắc Kinh. Cô bị nhiễm virus SARS trong phòng thí nghiệm nhưng không biết và đi tàu đến Hợp Phì, sau khi xuất hiện các triệu chứng thì cô tới Bắc Kinh chữa bệnh rồi lại về An Huy, khiến hai nơi đều bị truyền nhiễm.

Ba lý do có thể khiến COVID-19 từ phòng thí nghiệm lan ra

Trong dịch bệnh COVID-19 này, các nhà khoa học nghi ngờ rằng virus rò rỉ từ Viện Virus Vũ Hán, vốn dĩ đây chỉ là suy đoán khoa học hợp lý để tìm ra nguyên nhân của đại dịch, để có biện pháp ứng phó lây nhiễm đúng đắn. Đây không phải thuyết âm mưu, không liên quan gì đến việc phân biệt đối xử với người Trung Quốc hay Vũ Hán.

Nếu virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm thì cần phải tìm ra vấn đề sơ xuất và rút ra bài học để vá sơ hở trong công tác quản lý, không khiến thảm kịch xảy ra một lần nữa. Và thường thì nhân viên của các phòng thí nghiệm virus chính là những người chịu nguy hiểm nhất, việc tìm ra khả năng rò rỉ cũng giúp bảo vệ họ tốt hơn.

Có 3 trường hợp rò rỉ virus trong phòng thí nghiệm thường gặp nhất:

Thứ nhất, môi trường phần cứng của phòng thí nghiệm chưa chuẩn.

Khu vực bảo vệ của phòng thí nghiệm ít nhất phải bao gồm phòng làm việc chính, phòng đệm và phòng thay quần áo bảo hộ bên ngoài; khu vực làm việc phụ trợ phải bao gồm phòng giám sát, phòng thay quần áo sạch. Ngoài ra, phải lắp đặt thiết bị khử trùng vòi hoa sen bằng hóa chất, tủ an toàn áp suất âm, phải trang bị thiết bị chuyển vật dụng hỗ trợ thiết bị cách ly an toàn và thiết bị khử trùng bằng hơi nước áp suất an toàn sinh học.

Áp suất không khí trong nhà ở tất cả các khu vực của vùng bảo vệ phải là áp suất âm; không khí thải của phòng thí nghiệm chỉ được thải ra sau quy trình sàng lọc HEPA hai cấp, và nhân viên làm việc phải mặc quần áo bảo hộ áp suất dương đặc biệt.

Những điều kiện môi trường phần cứng này phải hoàn hảo để ngăn virus rò rỉ ra ngoài.

Thứ hai, sơ xuất trong việc quản lý phòng thí nghiệm.

Hệ thống quản lý chưa hoàn thiện, công tác kiểm tra an toàn sinh học chưa hiệu quả, ý thức về an toàn của nhân viên phòng xét nghiệm còn yếu; khả năng ứng phó khẩn cấp còn hạn chế; vấn đề lưu trữ và xử lý mẫu, xử lý chất thải nguy hại chưa chuẩn mực…

Thứ ba, vấn đề tuân thủ quy định của người làm việc tại phòng thí nghiệm.

Các nhà nghiên cứu không thể thực thi chuẩn mực việc sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân là yếu tố chính dẫn đến bị lây nhiễm. Theo Tạp chí Tiêu hóa Thế giới người Hoa, các loại sự cố lây nhiễm phổ biến trong phòng thí nghiệm gồm:

  • 46%: Do xử lý vi sinh vật gây bệnh
  • 22%: Nuôi cấy tế bào
  • 22%: Dùng kính hiển vi
  • 7%: Nuôi dưỡng động vật
  • 7%: Thí nghiệm động vật

Có thể thấy quá nửa số sự cố này là do dính phải chất lây nhiễm bắn hoặc phun, và bị thương do kim tiêm. Thông thường là do nhà nghiên cứu mắc sai lầm do mệt mỏi trong công việc.

Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng việc điều tra nguồn gốc của virus là một thái độ có trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng. Nếu nguồn của virus có thể được tìm thấy khi bắt đầu bùng phát thì việc kiểm soát sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Đối với công chúng, trong trường hợp chưa thể biết rõ ràng nguồn virus như thế nào thì mọi người càng cần cẩn trọng hơn, thực hiện tốt việc tự bảo vệ chẳng hạn: tránh ăn thịt chưa nấu chín, không ăn động vật hoang dã, không đi đến những nơi hoang vu xa lạ; còn đối với các phòng thí nghiệm virus phải được giám sát nghiêm ngặt hơn…

Cũng cần kêu gọi chính quyền Cộng sản Trung Quốc không bác bỏ nguồn tin virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, cho rằng đó là thuyết âm mưu. Vì khi không có kết quả chắc chắn về nguồn gốc của virus thì bất kỳ manh mối nào cũng đáng được các nhà khoa học xem xét kỹ một cách hợp lý, qua đó có biện pháp để tránh tái diễn sự cố nghiêm trọng tương tự.

Thanh Phong, Epoch Times

Xem thêm: