Hàng triệu người mắc COVID-19 và sống sót đã phát hiện rằng họ khó có thể đạt được sự hồi phục hoàn toàn. Hàng tuần thậm chí hàng tháng sau khi dường như đã khỏi bệnh, ngay cả ở một ca bệnh nhẹ, nhiều người bệnh vẫn phải đối phó với một loạt vấn đề về sức khỏe. 

Khi các nhà nghiên cứu cố dự liệu về thời hạn và điểm tới hạn của điều được gọi là “COVID kéo dài,” các phòng khám chuyên khoa dành cho bệnh nhân sau mắc COVID-19 đang được mở ở nhiều nơi để giúp đỡ bệnh nhân. Quy mô của đại dịch và dư lưu kéo dài của một số triệu chứng ảnh hưởng tới sức khỏe khiến bệnh nhân chưa đủ khả năng hoạt động như bình thường có nghĩa là các tác động bất lợi về kinh tế và y tế vẫn tiếp diễn sau khi căn bệnh chấm dứt.

Trạng thái ‘COVID kéo dài’

Phần lớn bệnh nhân mắc COVID-19 phục hồi hoàn toàn, nhưng một số mắc nhiều vấn đề liên quan tới phổi, tim mạch, và hệ thống thần kinh cũng như các tác động tâm lý. Những điều này có thể xảy ra bất kể mức độ lây nhiễm SARS-CoV-2 ban đầu nghiêm trọng đến đâu, nhưng thường xảy ra ở phụ nữ, trung niên, và những người lúc ban đầu mắc nhiều triệu chứng COVID-19 hơn.

Dù phần lớn các triệu chứng COVID-19 kéo dài dường như không đe dọa đến tính mạng, một nghiên cứu được công bố vào tháng 4/2021 trên tạp chí Nature phát hiện rằng người bệnh có nguy cơ tử vong tăng 59% trong vòng sáu tháng sau đó. Tính ra trung bình có thêm khoảng tám ca tử vong trên mỗi 1.000 bệnh nhân COVID-19.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, những người bị cái gọi là “trạng thái hậu COVID-19” thường mắc triệu chứng trong vòng ba tháng lúc mới bắt đầu mắc COVID-19 và các triệu chứng này kéo dài ít nhất hai tháng và không thể giải thích được bằng một chẩn đoán loại trừ.

Những triệu chứng phổ biến bao gồm mệt mỏi, khó thở và suy giảm nhận thức – tất cả đều ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Những căn bệnh này  có thể xuất hiện khi đã phục hồi sau giai đoạn COVID-19 cấp tính hoặc dai dẳng sau mắc bệnh. Các triệu chứng cũng có thể thay đổi bất thường hoặc tái phát theo thời gian.

WHO cho rằng định nghĩa này có thể thay đổi khi có bằng chứng mới, và có thể cần một định nghĩa riêng cho trẻ em. Các nhóm khác đã đề xuất nhiều định nghĩa thay thế dựa trên các triệu chứng tương tự tác động tới những người như vậy, thường được gọi những người mắc bệnh kéo dài.

 Các triệu chứng kéo dài thường thấy

Các nhà nghiên cứu chưa xem xét đầy đủ nhiều ca bệnh trong một thời hạn đủ dài để đánh giá toàn bộ tác động về tỷ lệ bệnh nhân bị mệt mỏi kéo dài và trong bao lâu. Nhiều nghiên cứu đã được công bố cho thấy rằng khoảng từ 10 đến 20% người phải chịu đựng các triệu chứng kéo dài từ nhiều tuần tới nhiều tháng sau khi mắc bệnh. 

Nhu cầu về các phòng khám tổng quát đặc biệt để giúp những người sống sót đối phó với các triệu chứng xơ phổi, tổn hại tim mãn tính, mệt mỏi và các triệu chứng khác gia tăng đáng kể. Khoảng 1,1 triệu người tại Anh báo cáo đã chịu đựng trạng thái COVID kéo dài tính đến đầu tháng Chín, theo Cơ quan Thống kê Quốc gia. Trong đó:

  405.000 người hoặc 37%, được xác nhận hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 ít nhất một năm trước;

  706.000 người hoặc 65%, cho biết có các triệu chứng ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động hàng ngày; 

  211.000 người hoặc 19%, cho biết khả năng làm các công việc hàng ngày của họ bị “hạn chế rất nhiều”.

 

Có thể đổ lỗi cho COVID-19 về những triệu chứng này hay không?

Không nhất thiết. Một nghiên cứu lớn dựa trên dữ liệu từ chương trình y tế Mỹ công bố tại BMJ hồi tháng Năm phát hiện rằng 14% người bị nhiễm virus corona đã phát triển một hay nhiều biến chứng liên quan cần được chăm sóc y tế sau giai đoạn cấp tính. Nhưng trong nhóm đối chứng cũng có khoảng 9% người như vậy. Một số triệu chứng có thể xảy do do ngẫu nhiên hay bị gây ra bởi tình trạng căng thẳng hoặc lo âu.

Theo một nghiên cứu xuất hiện trên Lancet ngày 8/10, các hạn chế xã hội, các đợt phong toả, trường học hoặc các cơ sở kinh doanh bị đóng cửa, mất sinh kế, hoạt động kinh tế giảm, chính phủ chuyển đổi các ưu tiên, tất cả đều có khả năng tác động tới sức khoẻ tâm thần.

Nghiên cứu phát hiện đại dịch đã gây thêm 53,2 triệu ca trầm cảm nặng và thêm 76,2 triệu ca rối loạn lo âu trên toàn cầu. Trong một số ca nhiễm COVID-19 nặng, các biện pháp điều trị cứu sống có thể để lại nhiều di chứng.  

Một số nhà nghiên cứu cho rằng đại dịch có thể gây ra nhiều vấn đề kéo dài như hội chứng mệt mỏi kéo dài mãn tính, sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson, bệnh tiểu đường và suy thận. Việc gia tăng các biện pháp điều trị trầm cảm, lo âu hay đau đớn đã làm dấy lên mối quan ngại về nạn tự tử và sử dụng quá liều thuốc giảm đau đang tăng vọt.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ báo cáo năm 2020 số ca tử vong do dùng thuốc quá liều tăng mạnh. Việc giảm giờ làm được báo cáo ở 69% bệnh nhân cho thấy đại dịch có ảnh hưởng đến năng suất lao động. Với gần 240 triệu người xác nhận bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới tính tới tháng 10, ngay cả chỉ một phần nhỏ ốm yếu kéo dài có thể gây ra những hậu quả xã hội và kinh tế to lớn. Và điều này sẽ còn trầm trọng hơn nếu vấn đề này kéo dài nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ.

Các loại virus khác có gây nên ốm yếu kéo dài hay không?

Có. Cái gọi là những hội chứng sau mắc virus xảy ra sau khi nhiễm bệnh gồm cảm lạnh thông thường, cúm, HIV, tăng bạch cầu đơn nhiễm, sởi, và viêm gan B. Bệnh tiểu đường và các hậu quả kéo dài khác được quan sát thấy ở những người sống sót sau hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS), do virus corona liên quan tới SARS-CoV-2 gây ra.

Một nghiên cứu của Canada xác nhận 21 nhân viên viên y tế ở Toronto có những triệu chứng hậu virus kéo dài tới ba năm sau khi bị nhiễm SARS vào năm 2003 và không thể trở lại làm công việc bình thường của họ. Một số người nằm viện do SARS tại Hồng Công vẫn bị suy giảm chức năng phổi hai năm sau đó, nghiên cứu trên 55 bệnh nhân công bố năm 2010 cho thấy. Tuy nhiên, không rõ liệu những trải nghiệm của SARS có thể áp dụng cho COVID-19 hay không.

Tại Mỹ, Quốc hội tài trợ khoảng 1,15 tỷ đôla cho Viện Y tế Quốc gia trong vòng 4 năm để nghiên cứu những tác động lâu dài của COVID-19. Nghiên cứu hy vọng sẽ giải quyết các vấn đề như nguyên nhân sinh học cơ bản và cách chữa trị và ngăn chặn chúng. Một số nhà nghiên cứu đã thúc giục các chính phủ không chỉ chú trọng đến tình trạng nhiễm bệnh và tỷ lệ tiêm chủng mà còn vào tổn thương cơ quan nội tạng lâu dài.

Ngân Hà (theo Channel News Asia)

Xem thêm: