Hút thuốc lá có hại như thế nào? Giờ đây bạn có thể biết chính xác số đột biến ADN gây ra ung thư được tích lũy trong các cơ quan nội tạng của người hút theo thời gian.

Theo nghiên cứu mới, trung bình cứ 50 điếu thuốc lá thì có 1 đột biến ADN cho mỗi tế bào phổi. Ngoài ra, người hút một gói thuốc lá 20 điếu/ngày trong một năm có thể tạo ra:

  • 150 đột biến cho mỗi tế bào phổi,
  • 97 đột biến cho mỗi bế bào thanh quản,
  • 39 đột biến cho mỗi tế bào họng,
  • 18 đột biến cho mỗi tế bào bàng quang,
  • 6 đột biến cho mỗi tế bào gan.

Các nghiên cứu trước đây thường gắn hút thuốc với ít nhất 17 loại ung thư, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể lượng hóa thiệt hại ở mức độ phân tử đối với ADN.

>> DNA: Mật mã nhỏ xíu đang lật đổ thuyết tiến hóa

Nhóm nghiên cứu của Ludmil Alexandrov tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, bang New Mexico đã tìm ra kết quả trên sau khi so sánh ADN trong khối u của 2500 người hút thuốc và 1000 người không hút thuốc.

Về lý thuyết mà nói, mỗi đột biến ADN có khả năng kích hoạt chuỗi thiệt hại gen, làm cho tế bào trở thành ung thư. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa biết xác suất xảy ra, hay loại đột biến nào ác tính hơn.

Trò ru-lét Nga

(ảnh: RemiGarciaPhoto/deviantart)
(ảnh: RemiGarciaPhoto/deviantart)

Tác giả nghiên cứu Alexandrov nói, “Hút thuốc cũng giống như chơi trò ru-lét Nga: bạn càng chơi nhiều thì khả năng đột biến trúng gen gây ung thư càng cao.” Tuy nhiên, cũng có người hút rất nhiều nhưng đột biến vẫn chưa kí vào án tử.

Việc bỏ thuốc không hề đảo ngược lại những đột biến này – chúng là vĩnh viễn trên ADN – nhưng ít ra thì rủi ro sẽ không tăng thêm nữa.

Một nghiên cứu ở Anh trên 35.000 người đàn ông trong 50 năm cho thấy hút thuốc trung bình lấy đi 10 năm tuổi thọ. Nhưng bỏ thuốc năm 30 tuổi hầu như sẽ xóa đi hoàn toàn rủi ro này, bỏ thuốc năm 50 tuổi thì rủi ro giảm còn một nửa.

>> Hơn một nửa người ung thư gan toàn cầu sống tại Trung Quốc

Theo newscientist,
Phong Trần tổng hợp