Một số bệnh viện đã báo cáo tỷ lệ tử vong cao bất thường đối với các bệnh nhân nhiễm Viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) khi dùng máy thở.

shutterstock 1698410182
Máy thở (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Khi các quan chức y tế khắp thế giới hối thúc để có thêm máy trợ thở (ventilator) điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona Vũ Hán, một số bác sĩ lại đang quyết định ngừng sử dụng loại máy này.

Nguyên do là một số bệnh viện đã báo cáo tỷ lệ tử vong cao bất thường đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19 dùng máy thở. Nhiều bác sĩ đã bày tỏ lo ngại rằng những máy này có thể gây hại cho một số bệnh nhân.

Máy thở làm nhiệm vụ đẩy oxy vào những bệnh nhân bị suy chức năng phổi. Việc sử dụng máy liên quan đến việc gây mê bệnh nhân và gắn một ống vào trong cổ họng. Tử vong ở những bệnh nhân như vậy khá phổ biến.

Thông thường, ước tính cho thấy có từ 40% đến 50% số bệnh nhân suy hô hấp nặng chết trong khi dùng máy thở. Nhưng ở New York, có tới 80% hoặc hơn số bệnh nhân dùng máy thở đã chết, theo các quan chức thành phố và tiểu bang. Tỷ lệ tử vong cao hơn bình thường cũng được báo cáo ở những nơi khác tại Hoa Kỳ.

Những báo cáo tương tự cũng xuất hiện tại Vương quốc Anh (66%) và Vũ hán (86%). 

Chưa có lý giải rõ ràng được đưa ra, có thể do tình trạng của bệnh nhân trước khi nhiễm bệnh, hoặc liên quan đến tiến triển của bệnh sau khi họ được đặt máy thở. Một số chuyên gia y tế đã suy đoán máy thở có thể kích thích hay làm tệ hơn một phản ứng miễn dịch có hại.

Mặc dù đó chỉ là suy đoán, nhưng các chuyên gia cho biết máy thở có thể gây hại cho bệnh nhân theo thời gian, bởi oxy áp suất cao được ép vào các túi khí nhỏ trong phổi của bệnh nhân.

“Chúng tôi biết thông khí cơ học không phải tốt,” Bác sĩ Eddy Fan, một chuyên gia về điều trị hô hấp tại Bệnh viện đa khoa Toronto cho biết. “Một trong những phát hiện quan trọng nhất trong vài thập kỷ qua là việc thông khí y tế có thể làm tổn thương phổi – do đó chúng ta phải cẩn thận khi sử dụng nó.”

Sự nguy hiểm có thể giảm bớt bằng cách hạn chế áp lực và lượng khí đưa vào cơ thể, ông Fan nói thêm.

Một số bác sĩ nói rằng họ đang cố gắng tránh cho bệnh nhân sử dụng máy thở càng lâu càng tốt, và thay vào đó là chuyển sang dùng kỹ thuật khác.

Chỉ vài tuần trước tại thành phố New York, các bệnh nhân COVID-19 nặng thường được đặt máy thở, bác sĩ cấp cứu Joseph Habboushe làm việc tại bệnh viện ở Manhattan cho biết.

Nhưng dần dần, các bác sĩ đang thử các phương pháp khác trước. Một biện pháp là để bệnh nhân nằm ở các vị trí khác nhau – gồm cả nằm sấp – để cho phép các bộ phận khác nhau của phổi thông khí tốt hơn. Biện pháp khác là cung cấp thêm oxy cho bệnh nhân thông qua các ống mũi và những thiết bị khác. Ngoài ra, các bác sĩ cũng đang thử nghiệm thêm oxit nitric vào hỗn hợp, để giúp tăng lưu lượng máu và oxy đến các bộ phận ít bị tổn thương nhất của phổi.

“Nếu chúng tôi khiến họ cảm thấy khá hơn mà không cần đặt nội khí quản, họ có thể sẽ có kết quả điều trị tốt hơn,” ông Habboushe cho biết, tuy nhiên ông nói thêm rằng những quyết định này tách biệt với nỗi lo không có đủ máy thở và việc thiếu máy thở cũng là một mối quan ngại.

Có nhiều báo cáo cho thấy bệnh nhân nhiễm virus corona có khuynh hướng dùng máy thở nhiều hơn các bệnh nhân khác, bác sĩ William Schaffner, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Đại học Vanderbilt nói.

Ví dụ, trong khi các bệnh nhân viêm phổi do vi khuẩn có thể sử dụng máy thở không quá một hoặc hai ngày, thì thông thường các bệnh nhân virus corona sử dụng máy thở “7 ngày, 10 ngày, 15 ngày và họ đang qua đời,” theo Thống đốc New York Andrew Cuomo khi được hỏi về tỷ lệ tử vong do máy thở trong một buổi họp báo hôm 8/4.

“Máy thở không phải là liệu pháp điều trị. Đây là biện pháp hỗ trợ trong khi chúng tôi chờ cơ thể bệnh nhân hồi phục”, bác sĩ Roger Alvarez, chuyên gia về phổi của Đại học Miami (Mỹ) cho hay.

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: