‘Viêm phổi Vũ Hán’ (COVID-19) hiện đang càn quét toàn cầu và Trung Quốc Đại Lục là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phải phong tỏa nhiều tỉnh thành. Mặc dù vậy, trong một phát ngôn trước truyền thông vào ngày 5/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, qua dữ liệu dịch bệnh cho thấy dịch bệnh cúm tại Mỹ còn nghiêm trọng hơn nhiều so với COVID-19 ở Trung Quốc. Quan điểm này ít nhiều cũng đã thu hút không ít ý kiến tán đồng. Thực thế có đúng như vậy không?

covid 19 và cúm Hoa Kỳ 2
COVID-19 tại Trung Quốc Đại Lục và cúm tại Mỹ khác biệt thế nào? (Ảnh: Shutterstock).

Trước tiên hãy tìm hiểu về cúm

Cúm khác với cảm lạnh thông thường. Cảm lạnh thông thường là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mức nhẹ, có thể do các loại virus như rhinovirus hoặc adenovirus gây ra; còn cúm là do influenza virus (virus cúm), thường có loại A, B hoặc C. Triệu chứng của cúm nghiêm trọng hơn cảm lạnh thông thường, cần từ 1 – 3 tuần để chữa lành. Đối với những người cao tuổi hoặc những người bệnh sức đề kháng kém, hoặc người mắc bệnh mãn tính về tim hoặc phổi, cúm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí khiến người bệnh tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, trong mùa cúm mới nhất tại Mỹ (từ tháng 10 năm ngoái đến giữa tháng 2 năm nay), ít nhất 29 triệu người Mỹ đã bị nhiễm cúm, trong đó ít nhất 16.000 người tử vong. Tình hình cúm tại Mỹ năm nay thực sự nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, cúm không được xem là biến cố cộng đồng, cũng không gây kinh hoàng đối với thế giới, không khiến mọi người phải đeo khẩu trang ra ngoài, điều này có vẻ khó hiểu.

Tại sao xảy ra hiện tượng “kỳ lạ” này? Chúng ta hãy tìm hiểu sự khác biệt giữa COVID-19 và cúm Mỹ qua 6 khía cạnh chính:

1. Khác biệt lớn về tỷ lệ người thiệt mạng

Tỷ lệ tử vong của bệnh cúm ở Mỹ là khoảng 0,05%, còn theo dữ liệu của nhà nước Trung Quốc hiện nay thì tỷ lệ tử vong của dịch bệnh COVID-19 ít nhất là hơn 3%. Tạm chưa tính đến độ chính xác của dữ liệu, khác biệt về tỷ lệ tử vong giữa hai bệnh ít nhất là 60 lần.

Trên thực tế, “số người tử vong” không phải là yếu tố chính để đánh giá mức nguy hiểm của bệnh. Nếu chỉ dựa vào số người tử vong để đánh giá độ nguy hiểm của một loại bệnh thì nguy hiểm nhất phải tính đến bệnh tim mạch, vì mỗi năm khoảng 650.000 người Mỹ thiệt mạng vì bệnh tim mạch.

Còn đối với cúm, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều người thiệt mạng vì cộng đồng không chú ý đúng mức tiêm ngừa vắc-xin cúm. Lấy trẻ em làm ví dụ, CDC chỉ ra rằng khoảng 80% – 85% trẻ em chết là do chưa tiêm phòng cúm.

2. Cách tính tỷ lệ tử vong khác nhau giữa Mỹ và Trung Quốc

Cả CDC và WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) khi tính toán đều áp dụng “nguyên nhân tử vong gốc”. Lý giải dễ hiểu, nếu một người ban đầu mắc cúm, sau đó kéo theo bị đau tim khiến người bệnh tử vong, vậy thì nguyên nhân cái chết sẽ được xem là “chết vì cúm”. Nhưng tại Trung Quốc, cách tính thông thường là “nguyên nhân trực tiếp gây tử vong”, vì vậy nếu trường hợp trên xảy ra ở Trung Quốc sẽ được phân loại là “chết vì bệnh tim”.

Khó hiểu hơn nữa là theo dữ liệu do nhà nước Trung Quốc công bố,  vào năm 2018 Trung Quốc chỉ có 144 người chết vì cúm. Trong khi năm 2019 Trung Quốc có nghiên cứu duy nhất liên quan do vài tổ chức có thẩm quyền của Trung Quốc cùng nghiên cứu là Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Phúc Đán phối hợp với CDC Trung Quốc và Viện Nghiên cứu Phòng ngừa Virus. Kết quả nghiên cứu cho thấy từ năm 2010 – 2015, số ca tử vong do cúm trung bình mỗi năm ở Trung Quốc là hơn 88.000.

Dù dữ liệu này chỉ nghiên cứu đến năm 2015, nhưng chỉ sau 3 năm mà số ca tử vong do cúm ở Trung Quốc đã giảm từ 88.000 xuống còn 144 thì liệu có thể tin được dữ liệu như vậy?

3. COVID-19 có thời gian ủ bệnh dài và có thể lây lan trong thời gian ủ bệnh

COVID-19 có thời gian ủ bệnh dài, thường từ 1 – 14 ngày, đôi khi hơn 14 ngày hoặc thậm chí lên đến 24 ngày và có thể lây nhiễm ngay trong thời gian người nhiễm còn chưa có triệu chứng bị bệnh.

Theo CDC, virus cúm thường bắt đầu truyền nhiễm trước khi xuất hiện triệu chứng một ngày. Khả năng truyền nhiễm mạnh nhất là sau 3 – 4 ngày khởi phát bệnh.

4. Cúm có vắc-xin bảo vệ và phương pháp điều trị

Ít nhất cho đến nay chưa có vắc-xin bảo vệ và phương pháp điều trị COVID-19.

Ngược lại, cúm có vắc-xin để ngăn ngừa cảm nhiễm, cũng có biện pháp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh sau khi nhiễm bệnh. Hiệu quả của vắc-xin cúm cũng có dao động, theo CDC, nghiên cứu mới nhất cho thấy vắc-xin cúm có thể làm giảm 40% đến 60% nguy cơ mắc bệnh đối với hầu hết các loại virus cúm.

Còn với người đã bị nhiễm cúm, có thể sử dụng thuốc kháng virus để giảm thời gian mắc bệnh, giảm triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng. Thuốc có hiệu quả tốt nhất trong vòng hai ngày sau khi có triệu chứng bệnh.

5. COVID-19 còn quá nhiều ẩn số

COVID-19 là bệnh truyền nhiễm mới, còn quá nhiều điều chưa biết về loại coronavirus mới này. Bao gồm nguồn gốc của virus, các con đường truyền nhiễm, làm thế nào để tránh xảy ra trường hợp siêu truyền nhiễm, chúng gây tổn hại cho cơ thể người nhiễm ra sao, làm thế nào để điều trị, liệu có di chứng gì không sau khi chữa khỏi, và liệu sau này virus có biến thể không… Hiện còn có phát hiện trường hợp sau khi trị khỏi COVID-19 nhưng xét nghiệm axit nucleic vẫn có thể cho kết quả dương tính, nghĩa là virus chưa hoàn toàn biến mất. Hàng loạt vấn đề nêu trên chưa thể có câu trả lời thỏa đáng.

Không chỉ thế, hiện nay mức độ nghiêm trọng của COVID-19 tại Trung Quốc có thể lớn hơn những gì cơ quan chức năng Trung Quốc công bố, bởi vì như vẫn thấy có thể giới chức quản lý tại Trung Quốc báo cáo giảm thiểu số ca nhiễm bệnh và tử vong. Có những vấn đề củng cố quan điểm này như: tình hình khẩu trang phòng ngừa lây nhiễm tại Trung Quốc bị thiếu nghiêm trọng, dù khắp nơi nỗ lực hỗ trợ nguồn vật tư và nhân viên y tế cho Vũ Hán nhưng vẫn không thấm vào đâu, đến nỗi có nhân viên chăm sóc y tế phải mạo hiểm tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế; hơn 50 nơi hỏa táng ở Hồ Bắc phải hoạt động 24/24, công nhân trả lời phỏng vấn kín của truyền thông đã cho biết họ làm việc căng thẳng như muốn suy sụp; Vũ Hán đã yêu cầu cộng đồng bên ngoài hỗ trợ túi đựng thi thể, tìm thuê công nhân vận chuyển thi thể với mức lương cao… Nhưng tính đến ngày 26/2, số người ở Vũ Hán thiệt mạng vì COVID-19 mà cơ quan chức năng Trung Quốc công bố chỉ là 2085. Rất khó tin vào số liệu công bố này nếu nhìn vào bức tranh thực tế nêu trên.

Hơn nữa, nhiều nghiên cứu và suy đoán của các tổ chức và chuyên gia uy tín quốc tế đã chỉ ra rằng số bệnh nhân thực sự vượt xa so với con số mà nhà nước Trung Quốc công bố. Hồi đầu tháng Hai, nhà dịch tễ Neil Ferguson nổi tiếng người Anh và là trưởng khoa Dịch tễ Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn đã chỉ ra, dựa theo mô hình ước tính thì số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận ở Trung Quốc hiện chỉ bằng 10% số ca mắc bệnh thực tế. Trong nửa cuối tháng Hai, phó giáo sư Mai He chuyên về bệnh lý và miễn dịch học tại Đại học Washington ở St. Louis Mỹ, và giáo sư Lucia Dunn chuyên về kinh tế tại Đại học bang Ohio, đã công bố kết quả nghiên cứu chỉ ra, theo số liệu đáng tin cậy không thuộc Nhà nước Trung Quốc, tổng số ca bệnh, số ca nhiễm mới và số ca tử vong đều cao gấp 5-10 lần so với công bố của cơ quan chức năng Trung Quốc.

6. Cấp độ ảnh hưởng khác xa nhau

Ngoài thương vong về sinh mạng, COVID-19 cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Ngành công nghiệp dược phẩm của Mỹ đã đưa ra cảnh báo rằng tình hình sản xuất thuốc tại Mỹ đang gặp khó khăn, vì nguyên liệu thô cho dược phẩm được sản xuất ở Trung Quốc Đại Lục, khiến việc cung cấp nguyên liệu thô trở nên khan hiếm. Nhiều ngành công nghiệp khác cũng bị ảnh hưởng tương tự bao gồm sản xuất ô tô, điện tử, hàng xa xỉ và quần áo. Dù Trung Quốc đã cho nhiều nhà máy trở lại công việc, nhưng một số nhà máy vì có công nhân bị nhiễm bệnh nên lại phải tổ chức cho cách ly.

Mặc dù số người nhiễm cúm ở Mỹ là rất lớn, nhưng không gây tác động quy mô lớn đối với nền kinh tế và cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Thực tế cho thấy, cúm ở Mỹ và COVID-19 ở Trung Quốc khác xa về cấp độ. Cúm ở Mỹ là dạng bệnh truyền nhiễm có tính chất theo mùa, còn COVID-19 là một “đại dịch” (pandemic) có thể bùng phát quy mô lớn, khiến thế giới phải cảnh giác.

Vì vậy, hy vọng rằng mọi người dù ở Trung Quốc Đại Lục hay ở nước ngoài, cần dựa theo tình hình thực tế của dịch bệnh trong khu vực mà bản thân đang sống để cố gắng bảo vệ bản thân và gia đình, tránh để dịch bệnh gây những tổn thất đáng tiếc về sinh mạng.

Đặng Chính Lương (Theo Epoch Times)

Xem thêm: