Ngoài việc đánh răng, rất nhiều người lựa chọn chỉ nha khoa để làm sạch răng hàng ngày. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng một số loại chỉ nha khoa có chứa chất gây ung thư, do đó đã có rất nhiều tranh luận về vấn đề này. Vậy rốt cuộc chúng ta có nên dùng chỉ nha khoa?

chỉ nha khoa
Dùng chỉ nha khoa làm sạch các kẽ răng, có thể giúp duy trì sức khỏe răng miệng, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng một số loại chỉ nha khoa thực sự chứa chất gây ung thư. (Ảnh: Thongchai S/ Shutterstock)

Giữ răng và nướu khỏe mạnh để tránh các bệnh lý răng miệng và các bệnh mãn tính

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng các bệnh lý răng miệng có mối quan hệ lớn với nhiều bệnh mãn tính. Ví dụ, bệnh nhân bị sâu răng nặng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn, bệnh nhân bị nha chu dễ bị sa sút trí tuệ hơn, bệnh nha chu cũng liên quan mật thiết đến bệnh tim mạch và tiểu đường.

Lấy bệnh nha chu làm ví dụ, việc phòng ngừa tập trung vào việc loại bỏ mảng bám và vôi răng để kiểm soát sự phá hủy xương ổ răng và tình trạng viêm nướu, giữ cho răng và nướu khỏe mạnh. Bên cạnh việc đánh răng, dùng chỉ nha khoa cũng là một phương pháp phòng ngừa quan trọng.

3 lợi ích tuyệt vời của việc dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảnh vụn thức ăn, mảng bám

Dưới đây là 3 lợi ích khi sử dụng chỉ nha khoa:

1. Loại bỏ mảnh vụn thức ăn giữa các kẽ răng

Những cặn thức ăn mắc kẹt giữa các kẽ răng không dễ dàng lấy ra bằng bàn chải và tăm xỉa răng, lúc này, dùng chỉ nha khoa là một biện pháp hữu hiệu.

Vì chỉ nha khoa có thể dễ dàng đi vào khe hẹp giữa các kẽ răng, có tác dụng loại bỏ cặn bẩn giữa các kẽ răng, thậm chí cả mảng bám và mềm cao răng, làm sạch kẽ răng một cách triệt để.

2. Loại bỏ triệt để mảng bám

Răng có 5 mặt, nhưng đánh răng chỉ làm sạch được tối đa 3 mặt. Nếu không loại bỏ được các mảng bám và cao răng giữa các kẽ răng sẽ dễ gây sâu răng và lắng đọng vôi răng dẫn đến viêm nướu. “Người nhặt rác” chỉ nha khoa có thể làm công việc làm sạch giữa các kẽ răng này.

Một đánh giá tài liệu năm 2015 trên Tạp chí Sinh học Định kỳ Lâm sàng cho thấy rằng đánh răng bằng tay chỉ loại bỏ khoảng 42% mảng bám, bàn chải điện tốt hơn đạt 46%.

Một đánh giá có hệ thống trên Cochrane Library vào năm 2019 đã phân tích 12 thử nghiệm lâm sàng liên quan đến 582 người dùng chỉ nha khoa. Kết quả phát hiện rằng dùng chỉ nha khoa giúp loại bỏ thêm 4% đến 7% mảng bám.

3. Ngăn ngừa hoặc giảm viêm lợi

Nghiên cứu năm 2019 nói trên cũng cho thấy rằng dùng chỉ nha khoa kết hợp với đánh răng làm giảm bệnh nướu răng nhẹ hoặc viêm nướu tốt hơn đáng kể so với chỉ đánh răng.

chỉ nha khoa
Dùng chỉ nha khoa kết hợp với đánh răng làm giảm bệnh nướu răng nhẹ hoặc viêm nướu tốt hơn đáng kể so với chỉ đánh răng. (Ảnh: G215/ Shutterstock)

Mặc dù dùng chỉ nha khoa có những lợi ích cho sức khỏe răng miệng nhưng vẫn còn một số nghi ngờ và tranh cãi.

Một số nghi ngờ và tranh cãi về việc sử dụng chỉ nha khoa

1. Dùng chỉ nha khoa có làm thưa răng?

Một số người lo lắng về việc dùng chỉ nha khoa ra vào kẽ răng sẽ khiến răng bị thưa. Trên thực tế, mối quan tâm này là dư thừa. Dùng chỉ nha khoa đúng cách sẽ không làm cho khoảng cách giữa các răng bị rộng ra bởi vì khoảng cách này vốn đủ lớn để một sợi chỉ nha khoa rất mỏng đi qua.

Nếu thực sự cảm thấy khoảng cách giữa các răng ngày càng lớn, bạn cần quan sát xem mình sử dụng chỉ nha khoa có đúng cách hay chưa và có làm đau nướu không. Đồng thời, bạn cũng nên đi khám kịp thời để kiểm tra xem có bị tụt nướu hay không.

2. Chỉ nha khoa có chứa chất gây ung thư?

Vào năm 2019, tạp chí Khoa học tiếp xúc và Dịch tễ học Môi trường (JESEE) thuộc Tạp chí học thuật Nature đã công bố một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng có thể dẫn đến tăng mức độ hợp chất Perfluoroalkyls Substances (PFAS) trong cơ thể. 

PFAS là hóa chất tổng hợp có đặc tính chống thấm dầu và nước, vì vậy chúng được sử dụng rộng rãi trong hàng tiêu dùng và các quy trình công nghiệp như chỉ nha khoa, chảo chống dính, màng bọc thực phẩm, thảm, đồ nội thất, hàng dệt may…

PFAS bao gồm các chất như PFOA, PFOS, PFNA và PFHxS. Trong đó PFOA và PFOS có sản lượng lớn nhất, trong quá trình sản xuất vật liệu Teflon cần bổ sung PFOA hoặc PFOS làm chất phụ trợ.

PFAS không dễ bị phân hủy, có tính tích lũy sinh học cao và bền bỉ, có thể duy trì cấu trúc trong cơ thể và tồn tại lâu dài. Chất này đã được phát hiện trong nước và đất, và ở gần như tất cả người Mỹ.

PFOA đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào loại tác nhân gây ung thư nhóm 2B. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với PFOA và PFOS có thể có những tác động khác nhau đối với cơ thể: Tăng nguy cơ ung thư thận và tinh hoàn ở người lớn, viêm loét đại tràng, bệnh tuyến giáp, PFOA cũng có liên quan đến việc giảm hormone giới tính và tăng trưởng ở trẻ em.

chỉ nha khoa
Dùng chỉ nha khoa có thể làm tăng mức hóa chất tổng hợp PFAS trong cơ thể bạn. (Ảnh: Alliance Images/ Shutterstock)

Vì vậy, khi nghiên cứu nói trên chỉ ra rằng dùng chỉ nha khoa có thể dẫn đến sự gia tăng PFAS trong cơ thể, những lo ngại đã được đặt ra.

Các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn 178 phụ nữ trung niên để làm bảng câu hỏi và lấy mẫu máu. Người ta thấy rằng những phụ nữ thường xuyên dùng chỉ nha khoa Oral-B Glide có mức PFHxS trong máu cao hơn 24,9% so với những người không dùng chỉ nha khoa.

Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy flo được phát hiện ở 6 trong số 18 sản phẩm chỉ nha khoa. Trong đó, 3 sản phẩm thuộc dòng Oral, 2 là các thương hiệu chỉ nha khoa khác. Các nhà nghiên cứu tin rằng chỉ nha khoa phát hiện flo có nhiều khả năng chứa Teflon.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cần có thêm dữ liệu để xác thực các phát hiện, chẳng hạn như liệu PFAS từ chỉ nha khoa có thể chuyển sang nước bọt hay không.

Vậy những người đang sử dụng hoặc đã sử dụng chỉ nha khoa Teflon thì sao?

Về vấn đề này, ông Vương Nguy Mục, Giám đốc Bộ phận Y tế Quốc tế của Tập đoàn Y tế Nha khoa Yueting, cho biết trong nghiên cứu được biết đến hiện nay, không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy PFAS sẽ được giải phóng từ chỉ nha khoa có chứa Teflon, cũng không có bằng chứng cho thấy PFAS trên chỉ nha khoa truyền vào cơ thể người. Vì vậy, đừng hoảng sợ nếu bạn đang dùng chỉ nha khoa chứa Teflon.

Tất nhiên, những người vẫn còn nghi ngờ về điều này cũng có thể chọn sử dụng chỉ nha khoa không chứa PFAS hoặc tăm nước.

chỉ nha khoa, tăm nước
Một lựa chọn khác thay thế chỉ nha khoa là dùng tăm nước với hiệu quả tuyệt vời lấy sạch thức ăn thừa còn bám giữa các kẽ răng. (Ảnh: Tolikoff Photography/ Shutterstock)

Thanh Phong/ Theo Epoch Times