Nhiều quốc gia như Ý, Hàn Quốc, Singapore và Iran đã chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt chỉ trong thời gian ngắn. Điều làm giới chức y tế lo ngại là việc họ vẫn chưa thể truy ra được nguồn gốc của các ổ dịch, theo AP.

shutterstock 524903815 1
(Ảnh: Shutterstock)

Các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong thành nghiêm ngặt tại nhiều khu vực trong nước đã giúp phần còn lại của thế giới có thêm thời gian chuẩn bị đối phó với sự bùng phát của chủng virus mới. Nhưng khi các điểm nóng xuất hiện trên toàn cầu, việc không thể xác định nguồn lây bệnh – hay còn gọi là “bệnh nhân số 0” – báo hiệu căn bệnh đã bắt đầu lan rộng vượt quá sự kiểm soát của các nỗ lực phòng bệnh.

“Số lượng các điểm dịch mới bùng nổ trên khắp thế giới là một tín hiệu cho thấy mọi thứ đang xảy ra và điều mà chúng ta đang đối mặt có thể là một cơn đại dịch,” Ian Mackay, nhà nghiên cứu virus của Đại Học Queensland, Úc cho biết.

WHO nhấn mạnh tình huống xấu nhất vẫn chưa xảy ra. Tổ chức này cho rằng các quốc gia ngoài Trung Quốc không cần các biện pháp hà khắc hơn nữa, nhưng việc bùng nổ các ca nhiễm bệnh tại Iran và Hàn Quốc cho thấy thời gian có thể sắp hết để ngăn chặn virus.  

“Điều chúng ta thấy là một giai đoạn rất khác của đợt dịch này,” bác sĩ Sylvie Briand của WHO nói. “Chúng ta thấy những hình thức truyền bệnh khác nhau tại các nơi khác nhau.”

Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa “đại dịch toàn cầu” là khi căn bệnh lan ra hai châu lục, mặc dù một số chuyên gia y tế công cho rằng có thể coi là “đại dịch” khi sự lây lan xảy ra trên một khu vực rộng lớn hoặc xuyên qua các đường biên quốc tế.

Điểm nóng mới nhất trong những ngày qua là Iran, với 95 ca nhiễm bệnh và 16 ca tử vong chỉ trong vài ngày, theo Bộ Y tế Iran ngày 26/2. Ổ dịch khởi nguồn tại thành phố Qom, một địa điểm tôn giáo nổi tiếng của Iran, tuy nhiên đến nay vẫn chưa biết nó đã bắt đầu như thế nào. Tệ hại hơn, những du khách nhiễm bệnh từ Iran đã được phát hiện tại nhiều quốc gia xung quanh như Iraq, Afghanistan, Bahrain, Oman, Israel, thậm chí tận Canada.

Tại Hàn Quốc, hầu hết các ca nhiễm bệnh mới được phát hiện có liên hệ đến một nhà thờ tại thành phố Daegu và một bệnh viện gần đó. Nhưng các cơ quan y tế vẫn chưa tìm thấy “bệnh nhân số 0,” tức người đầu tiên kích hoạt chuỗi nhiễm bệnh. Một số ca nhiễm virus cũng đã được xác nhận tại thủ đô Seoul, nguyên nhân và con đường lây nhiễm của các ca này cũng chưa được làm rõ.

Tại châu Âu, số ca nhiễm ở Ý tăng nhanh theo từng ngày. Dịch bệnh được cho là đã lây lan tại khu vực miền Bắc thông qua tiếp xúc tại bệnh viện và một quán cafe. Tuy vậy, “bệnh nhân số 0” vẫn là một ẩn số.

Một ổ dịch với các ca nhiễm bệnh vốn không đáng lo ngại, trên thực tế, một loại bệnh truyền nhiễm thường khá dễ lây lan do hoạt động giao thông toàn cầu. 

Khi dịch bệnh xảy ra, biện pháp đầu tiên cần áp dụng là cô lập người bệnh để điều trị và ngăn ngừa virus lây lan thêm, đồng thời cách ly những người tiếp xúc với họ cho đến khi thời gian ủ bệnh kết thúc.

Tuy nhiên, khi virus ngày càng lan rộng, việc cố gắng lần theo mọi tiếp xúc của người bệnh sẽ là vô ích, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thừa nhận hồi đầu tháng này.

“Nếu chúng ta cho nhập viện và cách ly mọi trường hợp nghi ngờ, bệnh viện sẽ bị quá tải,” ông nói. Cho đến nay, Singapore đã xác định 5 ổ truyền nhiễm, trong đó có 2 nhà thờ. Nhưng vẫn còn 8 ca lây nhiễm không xác định được nguyên nhân do họ không có liên hệ với các trường hợp trước đó hoặc từng đến Trung Quốc.

Quảng Đông: 14% bệnh nhân nhiễm COVID-19 hồi phục xét nghiệm dương tính trở lại

Các loại virus khác nhau về cách chúng lây nhiễm. Virus corona mới không giống như chủng corona gây ra SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) hay MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông), mà nó dễ dàng lây lan như cúm thông thường. Đặc biệt, chủng virus mới này có thể lây từ những người có triệu chứng nhẹ hoặc hoàn toàn không có triệu chứng.

Tiến sĩ Amesh Adalja thuộc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết, “nếu thật sự như vậy, tất cả các biện pháp ngăn chặn hiện nay của chúng ta đều không hiệu quả. Nó có triệu chứng giống như sự kết hợp giữa cảm lạnh và cúm tại nhiều quốc gia,” và sẽ không bị để ý cho đến khi có ai đó đổ bệnh nghiêm trọng.

Theo giáo sư Mackay ở Úc, các triệu chứng nhẹ là tín hiệu tốt “bởi nó không khiến cho nhiều người tử vong. Tuy nhiên, nó thật sự là tin xấu nếu chúng ta muốn ngăn chặn nó bùng phát thành đại dịch”.

Khi Hồng Kông thông báo về ca tử vong đầu tiên do virus gây ra hồi đầu tháng này, giới chức y tế đặc khu cũng xác nhận 3 trường hợp nhiễm virus tại địa phương không có liên quan đến bất kỳ trường hợp nào trước đây hoặc có tiền sử du lịch đến Trung Quốc. 

Ông Chuang Shuk-kwan thuộc Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông đã cảnh báo rằng “có thể có những chuỗi lây nhiễm vô hình xảy ra trong cộng đồng”.

Không triệu chứng vẫn lây cho người khác: Số liệu thống kê của TQ có thể sai

Các quan chức ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản đã phát đi tín hiệu trong tuần qua rằng sự lây lan đang bước vào giai đoạn mới ở nước họ.

Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Se-kyun cho biết chính phủ sẽ phải chuyển trọng tâm từ kiểm dịch và kiểm soát biên giới sang việc giảm thiểu sự lây lan của virus trong nội địa. Các trường học và nhà thờ đã bị đóng cửa, việc tụ tập đông người đã bị cấm. 

Takaji Wakita, người đứng đầu Viện truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, trước đó đã kêu gọi mọi người làm việc tại nhà hoặc theo ca để tránh hình thành các nhóm đông người ở nơi làm việc, đồng thời tránh việc tổ chức các cuộc họp không cần thiết nếu không khẩn cấp.

Nhưng Tiến sĩ Amesh Adalja thuộc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cảnh báo rằng các biện pháp mạnh tay như Trung Quốc đã áp dụng trong tâm chấn Vũ Hán có thể phản tác dụng. Việc phong tỏa tối đa có thể khiến người dân không thể tiếp cận các dịch vụ y tế quan trọng khác, ví du như cấp cứu trong trường hợp bị bệnh tim mạch.

Hiện tại, không thể dự đoán liệu các ổ dịch sẽ được dập tắt hay sẽ khiến dịch bệnh tiếp tục lan rộng.

Gagandeep Kang, nhà vi sinh học đứng đầu Viện Công nghệ và Khoa học Sức khỏe Dịch thuật của Ấn Độ, cho biết các quan chức y tế các nước cần nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus càng lâu càng tốt, đồng thời chuẩn bị các bệnh viện, thiết bị bảo hộ và nâng cao năng lực phòng thí nghiệm.

“Mặc dù cơ hội đang hẹp dần, chúng ta vẫn còn cơ hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. “Nhưng trong khi làm điều đó, chúng ta phải chuẩn bị đồng thời cho mọi tình huống, bởi vì sự bùng phát có thể đi theo bất kỳ chiều hướng nào, và mọi thứ có thể trở nên hỗn loạn.”

Gia Huy 

Xem thêm: