Nếu chân bị lạnh do thời tiết, bạn chỉ cần giải quyết bằng cách đi một đôi tất. Nhưng nếu chân bị lạnh kinh niên, đó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang mắc một chứng bệnh nào đó.

tat
Nếu tất không giúp ngừng lạnh chân, rất có thể cơ thể bạn có thể đang gặp một vấn đề bệnh lý nào đó (Ảnh: Pixabay)

1. Xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch xảy ra khi những mạch máu mang oxy và chất dinh dưỡng từ tim chảy đi nuôi cơ thể trở nên dày và cứng, đôi khi làm cản trở dòng máu đến các nội tạng và mô. Khi máu không lưu thông được đến chân, bạn sẽ thấy bàn chân bị lạnh. Danielle DesPres, DPM, một bác sĩ phẫu thuật chân & mắt cá chân có chứng nhận của Hội đồng quản trị NYC thuộc New York College of Podiatric Medicine cho biết: “Các động mạch ở bàn chân là loại nhỏ nhất trong các loại động mạch nên chúng sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Khi những động mạch này bị tắc nghẽn, bạn có thể thấy lạnh và đôi khi thấy đau chân”. Theo DesPres, các yếu tố làm tăng nguy cơ gây xơ vữa động mạch gồm: Hút thuốc, huyết áp cao, cholesterol cao, tuổi già.

2. Tiểu đường

Bản thân bệnh tiểu đường không làm lạnh chân nhưng một số người bị tổn thương dây thần kinh ở bàn chân khiến nó bị lạnh. 50% người tiểu đường loại 2 bị tổn thương thần kinh, với người tiểu đường loại 1 là 20%. Tổn thương dây thần kinh có thể gây ra sự cản trở hoạt động của dây thần kinh phát hiện nhiệt độ ở bàn chân, kết quả là tạo ra cảm giác khó chịu.

Đối với người mắc bệnh tiểu đường loại 2, tình trạng lưu thông máu kém cũng có thể gây ra chứng lạnh bàn chân. Bác sĩ DesPres cho biết: “Theo thời gian, mức đường huyết cao của bệnh nhân tiểu đường có thể gây tổn thương lớp niêm mạc của các mạch máu nhỏ đi đến chân. Chúng làm các mạch máu này bị thu hẹp, cứng lại, làm giảm lưu lượng máu đến chân. Điều này gây ra chứng lạnh chân”.

thói quen hại sức khỏe
Tiểu đường và bệnh tim mạch là một trong những lý do khiến chân lạnh (Ảnh: Pixabay)

3. Hiện tượng Raynaud

Hiện tượng Raynaud hay hội chứng Raynaud là tình trạng khiến máu chảy đến ngón tay, ngón chân, tai và đầu mũi bị giảm do mạch máu bị hẹp và thường xảy ra khi bạn tiếp xúc với nhiệt độ thấp hoặc bị stress. Da ở các vị trí trên sẽ trở nên trắng, chuyển xanh, sau đó tím đi và kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Nếu không điều trị kịp thời, bạn sẽ bắt đầu bị nhức và nổi nhọt. Nếu tuần hoàn máu quá thấp trong thời gian dài, chỗ da đó có nguy cơ bị hoại tử vĩnh viễn. Hiện tượng Raynaud xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng phần lớn là phụ nữ, tuổi từ 20 tới 40. Bệnh thường xảy ra ở những vùng có khí hậu lạnh.

4. Bệnh lý thần kinh ngoại biên

Bệnh lý thần kinh ngoại biên là bệnh lý xảy ra do các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Dây thần kinh ngoại biên là dây thần kinh giúp truyền các tín hiệu từ não và tủy sống đến các cơ quan đích, nó rất mỏng manh và dễ bị tổn thương. Do đó, khi bị tổn thương nó sẽ làm rối loạn khả năng trao đổi thông tin của não với cơ và các cơ quan khác. Các triệu chứng đầu tiên của tình trạng này thường xuất hiện ở bàn chân. Nhiều người bệnh cho biết họ bị lạnh chân, ngứa ran, bỏng rát hoặc cảm giác kim châm ở bàn chân. Một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh thần kinh ngoại biên là bệnh tiểu đường. Nhưng cũng có thể là do di truyền, bệnh thận, bệnh gan.

5. Thiếu máu

Thiếu máu là tình trạng cơ thể sản xuất ít hồng cầu hơn bình thường. Nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sắt, vì sắt là khoáng chất cần thiết để sản xuất hồng cầu. Người bị thiếu máu có lượng tế bào hồng cầu và hemoglobin (giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể) giảm khiến bàn chân bị lạnh. “Khi cơ thể không sản xuất đủ hemoglobin thì sẽ không có đủ tế bào hồng cầu giàu oxy để giữ ấm cho bàn chân của bạn. Các cơ và mô ở bàn chân của bạn không nhận đủ oxy để hoạt động như bình thường được” – Bác sĩ DesPres giải thích.

thiếu máu não
Chứng thiếu máu (Ảnh: fotolia)

6. Lo lắng

Khi bạn lo lắng, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone adrenaline. Adrenaline không chỉ đưa bạn sang chế độ sẵn sàng chiến đấu mà còn đưa máu ra khỏi các cơ quan ít quan trọng hơn (như tay và chân) để chuyển về bảo vệ các cơ quan chính của bạn. Điều này khiến bàn tay và bàn chân của bạn bị lạnh.

7. Suy giáp

Bệnh suy giáp là một dạng rối loạn chức năng tuyến giáp (một tuyến nội tiết ở cổ). Tuyến giáp tiết ra các hormone (thyroxine hoặc T4 và triiodothyronine hoặc T3) kiểm soát trao đổi chất trong cơ thể. Nếu bị suy giáp, tuyến giáp của bạn sẽ sản sinh không đủ hormone cần thiết cho cơ thể. Tuyến giáp hoạt động kém có thể dẫn đến giảm tuần hoàn, giảm lưu lượng máu đến bàn chân và gây cảm giác lạnh chân.

8. Suy giảm chức năng thận

Kinh Túc Thiếu âm Thận bắt nguồn từ lòng bàn chân, độ ấm của bàn chân phụ thuộc vào sự nuôi dưỡng từ thận. Điểm này trong trung y là tương đồng với nhận thức của Tây y. Khoa học tin rằng bàn chân ấm áp hay lạnh lẽo chủ yếu phụ thuộc vào mức độ lưu thông máu trong cơ thể. Nếu bàn chân của bạn ấm áp, chứng tỏ thận khí sung túc đầy đủ, tuần hoàn máu tốt. Ngược lại khi chức năng thận bất thường, lượng máu cung cấp cho bàn chân sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến chân bị lạnh.

ban chan am ap
Chân lạnh cho thấy thận khí không đủ, huyết mạch kém lưu thông (Ảnh: Pixabay)

Nếu nghi ngờ bàn chân lạnh do các bệnh lý trên, bạn cần đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị chính xác. Còn với chân lạnh không tiềm ẩn bệnh lý, bạn có thể khắc phục bằng những cách sau:
– Tập thể dục thường xuyên: Giúp cải thiện lưu thông máu và làm ấm bàn chân.
– Mặc ấm hơn: Đi tất dày hơn để chân luôn được ủ ấm.
– Mát xa chân: Giúp cải thiện tuần hoàn và máu lưu thông để làm ấm bàn chân.
– Bỏ thuốc lá: Nicotine trong thuốc lá có thể làm máu lưu thông kém.
– Giữ gìn thận khí: Sinh hoạt điều độ để di dưỡng tĩnh thần, tránh lo âu, căng thẳng, làm việc quá sức, dục phòng quá độ sẽ làm tổn hao thận khí.

Minh Minh
Theo: Insider
Xem thêm: