Sau 2 năm mắc COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), bạn vẫn có nguy cơ bị mắc chứng sương mù não, sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức, mất ngủ, rối loạn lo âu và động kinh.

shutterstock 2140988089
(Nguồn: U_photos/ Shutterstock)

Dù đại dịch COVID-19 đã xuất hiện được 2 năm, các chuyên gia vẫn chưa thể nắm bắt được hết tác động lâu dài của vi rút SARS-CoV-2 đối với cơ thể.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí The Lancet Psychiatry đã tìm cách kiểm tra một số vấn đề tâm thần và thần kinh lâu dài liên quan đến SARS-CoV-2. Nghiên cứu không tìm thấy nguy cơ lâu dài đối với một số rối loạn như lo lắng hoặc trầm cảm, nhưng nguy cơ mất trí nhớ hoặc co giật thì vẫn có thể xuất hiện sau 2 năm kể từ khi người bệnh nhiễm bệnh đầu tiên. Những phát hiện này nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải nghiên cứu sâu hơn về tác động lâu dài của COVID-19.

SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

SARS-CoV-2 là vi rút gây ra bệnh COVID-19. Nó có thể gây ra các triệu chứng về đường hô hấp từ nhẹ đến nặng, tùy theo thể trạng người bệnh. Ví dụ, những người mang vi rút SARS-CoV-2 có thể bị sốt, ớn lạnh, ho, nghẹt mũi hoặc khó thở. SARS-CoV-2 hiện có rất nhiều biến thể

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thể hiểu hết về lâu về dài SARS-CoV-2 sẽ tác động như thế nào đến sức khỏe con người. Nhưng các chuyên gia cho rằng loại vi rút này sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tật cho cơ thể, đặc biệt là các bệnh liên quan đến thần kinh và tâm thần.

COVID-19 và sức khỏe thần kinh

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu thu thập được như một phần của nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trong 2 năm từ mạng lưới hồ sơ sức khỏe điện tử TriNetX để điều tra tác động của SARS-CoV-2 tới sức khỏe thần kinh và tâm thần. Nghiên cứu bao gồm dữ liệu từ nhiều quốc gia khác nhau nhưng phần lớn đến từ Hoa Kỳ.

Đầu tiên, các nhà nghiên cứu xác định gần 1,2 triệu bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2 trong khoảng thời gian từ ngày 20/1/2020 đến ngày 13/4/2022 rồi ghép họ với những người chưa mắc COVID-19 (nhưng đã mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác) có cùng tình trạng tiêm chủng, tuổi, nhân khẩu học và các yếu tố nguy cơ.

Tiếp theo, các tác giả phân tích nguy cơ mắc bệnh của những người tham gia đối với 14 chẩn đoán tâm thần và thần kinh, rồi so sánh nguy cơ mắc các rối loạn này với nhóm kiểm soát. Họ cũng xem xét những rủi ro có thể xảy ra trước và sau các đợt lây nhiễm từ các biến thể khác nhau (Alpha, Delta, Omicron).

Trong vài tháng, kết quả cho thấy những người bị nhiễm SARS-CoV-2 có các triệu chứng rối loạn lo âu tăng lên, còn những người ở nhóm kiểm soát thì nguy cơ lo lắng và trầm cảm lại giảm xuống. 

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng trẻ em không có nguy cơ bị rối loạn tâm trạng giống như người lớn. Trẻ em có nguy cơ mắc các vấn đề khác, chẳng hạn như suy giảm nhận thức, mất ngủ và co giật sau 6 tháng đầu tiên sau khi nhiễm bệnh.

Ở người lớn, nguy cơ mắc chứng sương mù não, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, động kinh, co giật thậm chí vẫn xảy ra sau 2 năm mắc bệnh.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng so với những người bị nhiễm biến thể Alpha thì người bị nhiễm biến thể Delta có nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, suy giảm nhận thức, mất ngủ, rối loạn lo âu và động kinh, co giật cao hơn.

Với làn sóng biến thể Omicron, tỷ lệ tử vong giảm nhưng bản thân vi rút vẫn mang những nguy cơ tương tự đối với các vấn đề tâm thần hoặc thần kinh so với biến thể Delta.

Nghiên cứu sâu hơn và các hạn chế của nghiên cứu

Nghiên cứu cung cấp cho chúng ta thấy nhiều thông tin hữu ích về việc COVID-19 tác động tới sức khỏe lâu dài như thế nào, tuy nhiên nghiên cứu vẫn tồn tại một số hạn chế như sau:

– Dữ liệu chủ yếu tập trung vào các trường hợp mắc bệnh có triệu chứng, được ghi nhận (vì các trường hợp không có triệu chứng ít khi được ghi vào hồ sơ sức khỏe điện tử).

– Các nhà nghiên cứu không phân tích kết quả trung gian dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh tật.

– Không phải tất cả những người tham gia đều cung cấp đủ dữ liệu trong 2 năm, nghĩa là chúng ta cần các nghiên cứu dài hạn hơn.

– Ban đầu người tham gia được phân tích theo biến thể A nhưng về sau lại phải xếp sang nhóm biến thể B để phân tích.

– Tình trạng tiêm chủng không được báo cáo đầy đủ trong dữ liệu.

– Các nhà nghiên cứu đã xếp thanh thiếu niên và trẻ em vào cùng một nhóm, vì vậy chúng ta cần có thêm nghiên cứu riêng cho các nhóm tuổi này trong tương lai.

– Tỷ lệ tử vong có thể bị đánh giá thấp.

– Không rõ mức độ nghiêm trọng của từng rối loạn sau khi chẩn đoán. Không thấy rõ sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của hậu nhiễm SARS-CoV-2 với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.

Nhìn chung, chúng ta cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ về tác động lâu dài của COVID-19. Tác giả nghiên cứu, giáo sư Paul Harrison, cho biết các dữ liệu này sẽ giúp chúng ta nhận thức được mức độ nguy hiểm của hậu COVID-19 và các chuyên gia sức khỏe cũng có cơ sở để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.