Vào mùa hè, rau muống luộc chấm mắm là món ăn quen thuộc trên mâm cơm người Việt Nam. Tuy rau muống rất ngon miệng, vừa rẻ lại tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng phù hợp để ăn.

Lợi ích khi ăn rau muống

Trong 100g rau muống chứa 90% nước, 3g chất xơ, 3g protein, vitamin C, vitamin E, chất béo, khoáng chất như sắt, kẽm, magie. Theo Medical Health Guide, rau muống được sử dụng trong y học cổ truyền Ấn Độ để điều trị vàng da và các vấn đề về gan.

Sắt có trong rau muống cũng có lợi cho người bị thiếu máu và phụ nữ mang thai. Rau muống giúp hỗ trợ và điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa tự nhiên vì có nhiều chất xơ. Chỉ cần uống nước rau thôi cũng đã có tác động tích cực đến bệnh.

Rau muống
(Ảnh: Shutterstock)

Nhờ có vitamin A, C và beta-carotene, rau muống giúp làm giảm các gốc tự do, chống oxy hóa cholesterol. Folate trong rau muống giúp chuyển đổi homocysteine – một loại hóa chất khi ở mức độ cao có khả năng gây đau tim hoặc đột quỵ.

Khoáng chất magie trong rau muống giúp giảm huyết áp và ngăn ngừa bệnh tim. Các hợp chất hóa học trong rau muống góp phần điều chế các enzym giải độc và chất chống oxy hóa cũng như tác động của các gốc tự do nên cũng có lợi cho sức khỏe gan.

Những người nào không nên ăn rau muống?

Nếu bạn đang bị thương thì không nên ăn rau muống. Chúng ta vẫn thường truyền miệng ăn rau muống sẽ bị sẹo lồi, thực ra thì chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định điều này cả. Yếu tố dinh dưỡng chỉ là một phần trong quá trình chữa lành vết thương, và cũng chỉ góp một phần trong việc hình thành sẹo lành hay sẹo lồi. Những người ăn rau muống khi có vết thương hở tạo thành sẹo lồi chỉ là sự trùng hợp (do cơ địa không hợp ăn rau muống lúc đó chẳng hạn) nên không thể nói tất cả mọi người đều như vậy. Nhưng để yên tâm, bạn nên ăn rau má, diếp cá, rau ngót trong lúc bị thương. Bởi các loại rau này lành tính, lại có chức năng kháng khuẩn, giúp lành vết thương nhanh chóng.

Ngoài ra những người bị bệnh xương khớp, bệnh gút hoặc tăng axit uric máu không nên ăn rau muống vì trong rau có nhiều purin, dễ kích hoạt phản ứng viêm, làm tăng nguy cơ tái phát một cơn đau cấp tính. Tuy nhiên người bị loãng xương, huyết áp 90/60 mmHg, ăn rau muống vẫn tốt do hàm lượng canxi cao.

Hàm lượng oxalate trong rau muống rất cao nên dễ gây kết tủa ở thận tạo thành sỏi. Rau muống cũng có nhiều muối khoáng, canxi, kali nên không thích hợp với bệnh nhân sỏi thận, viêm nhiễm đường tiết niệu do suy thận.

Nếu bạn đang uống thuốc Đông y, ăn rau muống sẽ làm giã thuốc, nhất là khi trong thuốc có vị độc cần thiết để chữa bệnh (độc trị độc) sẽ làm giảm hiệu quả điều trị. Những người suy nhược cơ thể nặng thể hư hàn cũng không nên ăn rau muống.

Rau muống
(Ảnh: Shutterstock)

Ngày nay chúng ta có rau muống ăn quanh năm nhưng đúng mùa nhất chỉ có mùa hè. Rau muống trái mùa sẽ bị phun nhiều loại thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu để rau trông tươi hơn. Trong rau muống thường có một loại ký sinh trùng sán lá ruột lớn tên là fasciolopsis dễ dàng xâm nhập vào cơ thể nếu rau chưa được nấu chín. Vì thế bạn phải nấu rau thật kỹ, tránh để gia đình mắc triệu chứng đau bụng, khó tiêu sau khi ăn. Nếu gia đình có người bị bệnh về tiêu hóa thì cũng khuyên tránh ăn rau muống. Rau muống có tính chất kháng canxi nên không hợp để ăn với sữa. Kết hợp hai loại thực phẩm này sẽ làm cơ thể giảm khả năng hấp thụ canxi.

Minh Minh

Xem thêm: