Một ngày sau khi ăn cá rô rán (chiên), bà P.T.Q (Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng bị đau bụng kèm nôn và sốt cao. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thủng ruột non do dị vật sắc nhọn. 

bat can khi an ca ro ran cu ba 89 tuoi bi thung ruot 0
Dị vật đâm thủng ruột non của bệnh nhân. (Ảnh: vsh.org.vn)

Ngày 6/1, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết vừa điều trị cho cụ bà P.T.Q. (SN 1934, trú tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) bị thủng ruột non.

Người nhà bệnh nhân cho biết 2 ngày trước khi vào viện, bà Q. bị đau bụng vùng quanh rốn kèm nôn và sốt cao. Gia đình cho hay 3 ngày trước bà có ăn cá rô rán.

Tại bệnh viện, sau khi khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán bà Q. bị thủng ruột non do dị vật sắc nhọn và được điều trị bằng phẫu thuật nội soi.

Ngày 4/1, bênh nhân được phẫu thuật nội soi ổ bụng. Các bác sĩ phát hiện có một lỗ thủng ruột non ở cách góc hồi manh tràng 20mm. Mở tổn thương kiểm tra, bác sĩ thấy một dị vật giống nắp mang cá đâm thủng thành ruột từ trong ra ngoài, xung quanh lỗ thủng được bao phủ nhiều giả mạc và dịch đục. Ê kíp phẫu thuật đã lấy mảnh xương ra và khâu lại lỗ thủng ruột, rửa sạch bụng và đặt dẫn lưu vùng mổ.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân Q. tỉnh táo, sức khỏe ổn định, trung tiện được, hết đau bụng. Dự kiến bà Q. sẽ được ra viện trong 3-5 ngày tới.

bat can khi an ca ro ran cu ba 89 tuoi bi thung ruot
Dị vật trong ổ bụng của bệnh nhân. (Ảnh: vsh.org.vn)

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho hay thời gian gần dây, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp thủng ruột hoặc tắc ruột do dị vật khi ăn uống, vì vậy, cũng khuyến cáo người dân, nhất là người cao tuổi, cần thận trọng khi ăn uống. Cần tránh các chất khó tiêu như măng khô, quả hồng, ổi, các loại rau quả có vị chát.

Khi để người già ăn cá, gà, các mảnh xương cần được lấy sạch để tránh bị hóc dị vật. Ngoài ra, còn có nhiều người có thói quen xỉa răng ngậm tăm, rất dễ bị lọt vào đường tiêu hóa gây thủng ống tiêu hóa.

Nhiều người thường chữa hóc xương bằng nuốt cơm hoặc thức ăn lớn, uống nước, vỗ lưng để xương có thể bong ra. Cách chữa này có thể đẩy dị vật cắm sâu hơn vào thành hạ họng hay thành thực quản, tình trạng này, ngay cả khi đến bệnh viện, các bác sĩ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc nội soi phát hiện vị trí dị vật, cũng như gắp dị vật ra.

Bị hóc dị vật đường ăn thường ít gây ra tình trạng cấp đe dọa tính mạng tức thì như hóc dị vật đường thở, nhưng nếu không lấy ra được trong vòng 24h sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng ở đường ăn.

Vì vậy, khi bị mắc xương hay hóc các dị vật đường ăn, không áp dụng các mẹo chữa tại nhà, mà cần đưa đến các cơ sở y tế ngay, để được bác sĩ can thiệp kịp thời.

Thạch Lam