Mặc dù lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố có lòng tin vào việc kiểm soát dịch bệnh, chính quyền Bình Nhưỡng cũng cam kết mở cửa các hiệu thuốc, và nhanh chóng phân phối thuốc, nhưng những người đào tẩu tiết lộ rằng trình độ y tế của Triều Tiên vẫn chỉ dừng lại ở những năm 1990.

shutterstock 2119624760
(Nguồn: Rom Chek / Shutterstock)

Theo báo cáo của hãng truyền thông Hàn Quốc News1, Triều Tiên đã thiếu hụt nguồn cung cấp y tế trong nhiều thập kỷ sau “cuộc hành quân gian khổ”  (Nạn đói Bắc Triều Tiên) vào những năm 1990. Trong 2 năm qua, chính quyền Triều Tiên đã dựa vào các biện pháp như giám sát nghiêm ngặt để kiểm soát quyền ra vào của người dân, và thông qua các biện pháp cách ly và phong tỏa vật lý để cách ly thành công virus đến từ bên ngoài. Tuy nhiên hôm ngày 12/5, Triều Tiên lần đầu tiên thừa nhận dịch COVID-19 bùng phát tại nước này và một số người đã chết được xác nhận là bị nhiễm chủng virus Omicron BA.2. Hiện nay COVID-19 đã lây lan nhanh chóng tại Triều Tiên, rất khó để chống lại dịch bệnh nếu chỉ dựa vào hệ thống y tế không kiện toàn của nước này. 

Những người đào thoát khỏi Triều Tiên cho biết trong các cuộc phỏng vấn, rằng chỉ cần họ là cư dân Triều Tiên, hầu hết họ đều nhận thức rõ rằng nếu bị bệnh hoặc thậm chí được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19, họ sẽ không thể nhận được thuốc, ngay cả khi đến bệnh viện để khám, vì ngoại trừ các đô thị lớn như thủ đô Bình Nhưỡng, Chongjin và Hamhung, thông thường các bệnh viện ở các khu vực khác đều chỉ được trang bị những loại thuốc cơ bản như kháng sinh, hạ sốt và aspirin.

Bà Choi Bok-hwa (최복 화), một phụ nữ 49 tuổi đào tẩu khỏi Triều Tiên, nói rằng mọi người chỉ có thể mua thuốc từ chợ sau khi tự chẩn đoán, đó là thực tế của hệ thống y tế Triều Tiên hiện nay.

Báo cáo chỉ ra rằng trên thực tế, thời điểm diễn ra tình trạng thiếu dược phẩm trầm trọng ở Triều Tiên có thể bắt nguồn từ “cuộc hành quân gian khổ” (hay Nạn đói Bắc Triều Tiên) vào những năm 1990. Vào thời điểm đó, Triều Tiên đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng và khó khăn kinh tế. Mặc dù hiện nay thủ đô Bình Nhưỡng rất phát triển, có các bệnh viện chuyên khoa như sản phụ khoa, tim mạch, nha khoa chuyên sâu, tuy nhiên các bệnh viện ở các ở các khu vực thông thường khác, nếu bệnh nhân đi khám bệnh thì hầu hết họ chỉ được điều trị cơ bản, dùng thuốc giảm đau chống viêm, hạ sốt và tiêm glucose mà thôi.

Vì vậy, người dân ở các vùng nông thôn bình thường chỉ có thể đi chợ mua thuốc nhập khẩu từ Trung Quốc, hoặc chỉ dựa vào y học Triều Tiên (hay y học truyền thống).

Ông Jang Se-ryu (장 세율), một người đào thoái khỏi Bắc Triều Tiên và là đại diện của nhóm nhân quyền Bắc Triều Tiên “Mặt trận thống nhất dân tộc”, cho rằng Triều Tiên có khả năng kiểm soát cư dân rất mạnh, mặc dù có thể dễ dàng kiểm soát đường đi của cư dân, nhưng lại đối mặt với vấn đề thiếu thuốc men nghiêm trọng tại các cơ sở điều trị y tế, bệnh viện. Người bệnh thông thường sẽ không lựa chọn đến bệnh viện điều trị mà tự chẩn đoán và mua thuốc, điều này có thể dẫn đến số lượng người bị bệnh nặng hoặc tử vong tăng mạnh.

Một phụ nữ 30 tuổi khác đào thoái khỏi Triều Tiên, Han Ji-yeon (한지연), nói rằng nếu Triều Tiên không nhận được viện trợ vật tư như quần áo bảo hộ y tế, thiết bị bệnh viện, v.v, từ Trung Quốc hoặc các tổ chức quốc tế khác, nếu chỉ dựa vào vật tư mà Triều Tiên tự sản xuất, thì cơ bản là không thể phòng chống dịch. Tuy nhiên bà cũng cho rằng mặc dù người dân Triều Tiên vẫn chưa được tiêm vắc-xin COVID-19, nhưng chỉ cần các cơ quan chức năng ban hành chỉ thị, tỷ lệ tiêm chủng trong nước sẽ được tăng lên.

Các học giả y tế cộng đồng của Hàn Quốc phân tích tình hình hiện tại của dịch COVID-19 ở Bắc Triều Tiên. Baek Sun-young (백순영), giáo sư danh dự về y học và vi sinh (chuyên về virus) tại Khoa Y của Đại học Công giáo Hàn Quốc, cho biết theo đặc điểm của virus Omicron, chỉ 30% số người nhiễm bệnh sẽ bị sốt, vì vậy nếu 520.000 người xuất hiện triệu chứng sốt, e rằng số trường hợp được xác nhận thực tế có thể đã vượt quá 1 triệu người, đạt đến giai đoạn mà các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được.

Giáo sư Baek Sun-young ước tính rằng đỉnh dịch COVID-19 chủng virus Omicron ở Triều Tiên sẽ kết thúc sau một đến hai tháng, và người dân Triều Tiên sẽ bị nhiễm bệnh nhanh chóng trong thời gian này, nhưng vì hầu như không ai được tiêm phòng, cùng với hệ thống y tế nghèo nàn nên tỷ lệ tử vong của Triều Tiên có thể ở mức 1%.

Theo ông Shin Young-jeon (신영전), một giáo sư trong Lớp học Y tế Dự phòng của Trường Y Đại học Hanyang, nếu muốn vượt qua đỉnh dịch của bệnh truyền nhiễm, thì cư dân Bắc Triều Tiên bị nhiễm bệnh sẽ chiếm 70 đến 80%, tương đương khoảng 17,5 triệu người. Nếu chiểu theo phân tích của cơ quan chức năng phòng dịch của Hàn Quốc, tỷ lệ tử vong của những người chưa tiêm vắc-xin nhiễm virus Omicron là 0,6%, vì vậy số người chết ở Triều Tiên có thể vượt quá 100.000 người.

Trên thực tế, hệ thống y tế nội địa của Triều Tiên từ lâu vẫn chưa được kiện toàn. Ngay cả khi có đủ thuốc men, thì vẫn có khả năng liên tục có các báo cáo tử vong. Theo tờ Rodong Sinmun (báo Lao động), một tờ báo của cơ quan phụ trách đảng của Triều Tiên, Bộ Tư lệnh Phòng chống Dịch bệnh Quốc gia Triều Tiên cho biết trong một báo cáo rằng đã có trường hợp bệnh nhân sốt và tử vong do “sử dụng thuốc quá liều”.