Nếu bạn đang khỏe mạnh, uống 1 hoặc 2 ly rượu mỗi ngày không phải là điều đáng lo ngại (tất nhiên, về lâu về dài, uống rượu nhiều sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bạn). Nhưng nếu bạn đang sử dụng thuốc kháng sinh, dù chỉ nhấp một ly cũng đủ gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Thuốc kháng sinh kết hợp với rượu có thể làm tăng thêm, kích hoạt hoặc làm phức tạp thêm các tác dụng phụ của thuốc đối với cơ thể.

thuốc kháng sinh, uống rượu
Không nên uống rượu khi đang dùng thuốc kháng sinh. (Ảnh: vchal/Shutterstock)

Bạn không nên uống rượu khi sử dụng thuốc kháng sinh vì rượu làm hệ thống miễn dịch yếu đi. Dược sĩ và người đồng sáng lập Honeybee Health, Jessica Nouhavandi cho biết không phải tất cả các loại thuốc kháng sinh đều có tương tác tiêu cực với rượu. Nhưng bạn cần uống thuốc kháng sinh khi bạn bị nhiễm trùng và hệ thống miễn dịch đang suy yếu, uống rượu không giúp ích gì cho sức khỏe của bạn vào lúc này. 

Dược sĩ Jessica Nouhavandi nói rằng có một số loại thuốc kháng sinh gần như chắc chắn sẽ gây ra tác dụng phụ tiêu cực và mạnh khi được pha với rượu, bao gồm:

  • Metronidazole (Flagyl): một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng ở âm đạo, dạ dày, gan hoặc não.
  • Tinidazole (Tindamax): một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng ở âm đạo và ruột.

Khi dùng những loại thuốc kháng sinh này, dược sĩ Nouvhavandi khuyên bạn nên tránh xa tất cả những thứ chứa cồn như rượu, bia, rượu, siro ho, nước súc miệng.

Nếu bạn uống rượu trong lúc dùng các loại thuốc kháng sinh này, bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ mạnh như: đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, nhức đầu, nhịp tim nhanh.

Nếu bạn chỉ vô tình uống rượu khi đang dùng thuốc kháng sinh, các tác dụng phụ của bạn thường sẽ biến mất trong vòng vài giờ. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phản ứng nghiêm trọng thì hãy đến bệnh viện để được chăm sóc.

Các loại thuốc kháng sinh thông thường khác cũng không được uống cùng rượu mặc dù gây ra tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn gồm:

  • Sulfamethoxazole-trimethoprim (Bactrim DS): được sử dụng phổ biến khi cần điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng da. Nó có tác dụng phụ tương tự như metronidazole.
  • Cefotetan (Cefotan): được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn ở phổi, da và xương, cũng có tác dụng phụ tương tự như metronidazole.
  • Linezolid (Zyvox): được kê đơn để điều trị nhiễm trùng da và viêm phổi, có tương tác mạnh với bia (kể cả bia không cồn) và rượu vang đỏ. Uống rượu trong khi dùng linezolid có thể khiến huyết áp của bạn tăng đột biến.
  • Isoniazid (Nydrazid): được sử dụng để điều trị bệnh lao, có thể tác động xấu đến gan, gây ra độc tính khi kết hợp với rượu.

Ngay cả những loại thuốc kháng sinh không chống chỉ định sử dụng trực tiếp với rượu thì chúng vẫn có nguy cơ gây buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Dược sĩ Nouhavandi nói rằng doxycycline (Vibramycin, Monodox) và amoxicillin (Amoxil) là 2 ví dụ về thuốc kháng sinh thường gây ra các vấn đề về tiêu hóa. 

Bạn có thể tiếp tục uống rượu sau khi thuốc kháng sinh được đào thải khỏi cơ thể của bạn, thường là 3 ngày sau liều cuối cùng.

7 tín hiệu của cơ thể cảnh báo bạn không nên uống rượu nữa
(Ảnh: Shutterstock)

Uống rượu khiến quá trình phục hồi của bạn diễn ra lâu hơn

Uống rượu không gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của thuốc kháng sinh nhưng nó làm quá trình phục hồi của bạn diễn ra lâu hơn. Chuyên gia Nouhavandi nói rằng điều này xảy ra một phần là do khi bị ốm, bạn cần được cung cấp đủ nước. Một trong những tác dụng phụ của việc uống rượu là gây mất nước, làm bạn lâu khỏe hơn. 

Giống như nhiều loại thuốc kháng sinh, gan sẽ phân hủy rượu trước khi đưa rượu thoát ra khỏi cơ thể. Trong lúc bạn ốm, gan sẽ phải hoạt động chăm chỉ hơn, giờ lại phải xử lý cả rượu khiến gan bị hoạt động quá mức. Hậu quả xấu nhất là bạn sẽ bị ngộ độc gan do thuốc (sưng gan).

Trong vòng 48 giờ sau khi uống thuốc, bạn sẽ thấy khỏe hơn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cơ thể bạn không còn nhiễm trùng nữa. Nếu bạn ngừng uống thuốc kháng sinh sớm để được uống rượu, bạn đang tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm (gây nhiễm trùng) quay trở lại.

Minh Minh (Theo Insider)

Xem thêm: