Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ không được đọc vào ngày 4/7/1776. Quốc hội thực sự bỏ phiếu về sự độc lập của Mỹ là vào ngày 2/7/1776 và ngày 2/7 mới là mốc thời gian mà ông John Adams dự đoán sẽ trở thành ngày kỷ niệm sinh nhật của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

adams signing declaration
John Adams và Thomas Jeffersons ký tên vào bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776 (Ảnh: military.com)

Dưới đây là một số sự thật có thể bạn chưa biết về Tuyên ngôn Độc lập và Ngày 4/7.

1. Tuyên ngôn Độc lập không được đọc vào ngày 4/7/1776:

Ngày 4/7/1776 là ngày có ý nghĩa với nước Mỹ bởi vì đây là ngày Quốc hội chính thức phê chuẩn văn kiện Tuyên ngôn Độc lập. Tuy nhiên, Quốc Hội Lục địa Lần thứ hai thực sự bỏ phiếu về sự độc lập của Mỹ là vào ngày 2/7/1776. Trong bức thư gửi người vợ Abigail của mình, ông John Adams đã dự đoán rằng các thế hệ tương lai sẽ kỷ niệm Ngày Độc lập vào ngày 2/7. Ông Adams nói trong thư rằng: “Ngày 2 tháng 7 năm 1776, sẽ được các thế hệ tiếp nối chúc mừng với lễ hội kỷ niệm lớn. Ngày này nên được cử hành long trọng với sự tráng lệ và duyệt binh, với các màn trình diễn, các trò chơi, thi đấu thể thao, bắn súng, rung chuông, đốt lửa hiệu, và thả hoa đăng trên khắp lục địa này, từ thời điểm này cho tới mãi mãi về sau”.

2. 26 bản sao của Tuyên ngôn Độc lập vẫn còn được lưu giữ:

Sau khi Tuyên ngôn Độc lập được thông qua, “Ủy ban 5 người” gồm Thomas Jefferson, John Adams, Benjamin Franklin, Roger Sherman và Robert R. Livingston được giao trách nhiệm nhân bản văn kiện đã được chuẩn thuận này. Vào ngày 5/7/1776, chủ nhà in John Dunlap tại Philadelphia đã gửi tất cả các bản sao Tuyên ngôn Độc lập mà xưởng của ông đã in ra tới các tờ báo trên khắp 13 thuộc địa, cũng như tới các chỉ huy của binh linh Lục địa và các chính trị gia địa phương. Đã có hàng trăm bản sao do ông Dunlap in ban đầu, nhưng chỉ có 26 bản trong số đó còn tồn tại và hiện nay hầu hết được trưng bày trong các bảo tàng và thư viện. (Một trong những bản sao đó đã được một người đàn ông tại Philadelphia tìm thấy phía sau của một khung tranh mà ông đã mua tại một chợ trời với giá 4 USD vào năm 1989).

3. George Washington đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 9/7/1776 và đã dẫn tới một vụ bạo loạn tại Thành phố New York, bức tượng Vua George III tại đây đã bị kéo đổ:

Khi một trong những bản sao Tuyên ngôn Độc lập do ông Dunlap in được chuyển đến Thành phố New York vào ngày 9/7/1776, ông George Washington khi đó là chỉ huy trưởng của lực lượng Lục địa tại New York đã đọc văn kiện này trước đám đông tập trung trước tòa thị chính. Nhiều người trong số đám đông tham dự đã hò reo chúc mừng và sau đó họ kéo đổ một bức tượng của Vua George III gần đó. Bức tượng này sau đó đã được nấu chảy và đúc thành hàng chục nghìn viên đạn súng ngắn cho quân đội Mỹ.

4. Sau vụ tấn công Trân châu Cảng, Tuyên ngôn Độc lập, Hiến pháp Hoa Kỳ và những văn kiện khác đã được cất giấu bí mật tại Pháo đài Knox trong suốt Thế chiến II:

Sau khi Trân châu Cảng bị tấn công, sĩ quan Harry Neal của Mật Vũ Hoa Kỳ đã được giao nhiệm vụ chuyển “các văn kiện lịch sử vô giá” ra khỏi thủ đô Washington D.C tới một cơ sở an toàn. Sau khi họp với thủ thư Archibald MacLeish tại Thư viện Quốc hội, sĩ quan mật vụ Harry Neal đã chủ trì công tác hậu cần vận chuyển bí mật các văn kiện vô giá nêu trên ra khỏi DC tới Pháo đài Knox, gần Louisville, bang Kentucky. Bài phát biểu Gettysburg của Tổng thống Abraham Lincoln, Sách Thánh kinh Gutenberg, và Điều lệ Liên bang cũng đã được lưu giữ tại Pháo đài Knox. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã được đưa trở lại thủ đô Washington D.C vào năm 1944.

5. 56 người đã ký tên vào Tuyên ngôn Độc lập, nhưng nhiều người trong số họ không bao giờ trở nên nổi tiếng:

Một số người ký tên vào Tuyên ngôn Độc lập như John Adams và Thomas Jefferson đã tiếp tục công hiến phần đời còn lại của họ cho sự nghiệp công, và lần lượt trở thành tổng thống thứ hai và thứ ba của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều người trong số các thành viên ký tên vào Tuyên ngôn Độc lập chỉ đơn thuần được lịch sử ghi nhớ mà ít người biết đến, chẳng hạn như Button Gwinnett của bang Georgia và Josiah Bartlett của bang New Hampshire.

Xuân Thành (Theo Fox News)

Xem thêm: