Theo các phương tiện truyền thông địa phương, Ấn Độ đang tiến hành xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng lớn dọc theo biên giới tranh chấp với Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Diễn biến mới nhất này dự kiến sẽ khiến mối quan hệ quan hệ giữa hai nước trở nên tiếp tục căng thẳng, đặc biệt sau khi Ấn Độ tuyên bố tập trận chung với Hoa Kỳ và đưa ra lời chỉ trích hiếm hoi về lập trường của Bắc Kinh đối với Đài Loan.

Tháng trước, một phát ngôn viên của Quân đội Ấn Độ cho biết các công việc đang được thực hiện để cải thiện khả năng giám sát dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) trên dãy Himalaya. Thiếu tá Rajesh Thakre nói với hãng tin ANI: “Chúng tôi được trang bị công nghệ vũ khí và thiết bị mới nhất”.

Hai năm trước, binh sĩ hai nước đã đụng độ ở Thung lũng Galwan, khiến nhiều người thương vong. Kể từ đó, cả hai bên đã duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực bất chấp một số vòng đàm phán để xoa dịu căng thẳng.

Cuối tháng trước, đại diện ngoại giao Ấn Độ tại Sri Lanka lần đầu tiên cáo buộc Trung Quốc “quân sự hóa eo biển Đài Loan”. Đây là một trường hợp hiếm hoi New Delhi bình luận về các hành động của Trung Quốc đại lục đối với Đài Loan.

Bắc Kinh đã tiến hành một loạt cuộc tập trận bắn đạn thật chưa từng có bao vây hòn đảo sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Bình luận được đưa ra ngay sau tranh cãi về chuyến thăm Sri Lanka của tàu Yuan Wang 5, một tàu giám sát vệ tinh của Trung Quốc mà Ấn Độ cho rằng có thể được sử dụng để làm gián điệp.

Trước chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan, Quân đội Ấn Độ đã xác nhận kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận với Hoa Kỳ cách LAC, biên giới trên thực tế, chưa đến 100km.

Các cuộc tập trận Mỹ – Ấn sẽ được tổ chức vào giữa tháng 10 ở độ cao khoảng 3.050 mét ở Auli thuộc bang Uttarakhand của Ấn Độ và sẽ tập trung vào huấn luyện tác chiến tầm cao, theo báo cáo của truyền thông Ấn Độ.

Các nhà quan sát ngoại giao cho rằng có rất ít triển vọng quan hệ giữa hai nước Trung – Ấn sẽ cải thiện.

Chen Gang, trợ lý giám đốc và là thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Ấn Độ cho rằng ảnh hưởng địa chính trị của họ ở Nam Á đã bị thách thức bởi một Trung Quốc đang trỗi dậy, khi quốc gia này cung cấp các khoản viện trợ kinh tế và đầu tư lớn cho một số các nước trong khu vực.”

“Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng đóng vai trò nhất định trong việc định hình lại nhận thức của Ấn Độ về sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực.”

“Sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc ngày càng phức tạp do các tranh chấp biên giới giữa hai bên và chiến lược của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương. Nam Á đang trở thành chiến trường cạnh tranh khốc liệt giữa hai quốc gia”.

Lê Vy (theo SCMP)