Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế (Amnesty International) hôm thứ Ba (19/11) cho biết lực lượng an ninh nhà nước Iran đã giết ít nhất 106 người biểu tình trong các cuộc tuần hành phản đối chính quyền tăng giá xăng bùng phát từ cuối tuần trước. Tổ chức này lưu ý thêm rằng con số thương vong thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Embed from Getty Images

Trong tuyên bố phát đi hôm 19/11, Ân xá Quốc tế cho biết ít nhất 106 người đã bị giết hại trên khắp Iran từ khi các cuộc biểu tình nổ ra từ thứ Sáu (15/11).

Tổ chức tin rằng con số thương vong thực sự có thể cao hơn nhiều, với một số báo cáo cho rằng có tới 200 người đã bị giết,” Ân Xá Quốc tế nói trong tuyên bố.

Dẫn theo các “báo cáo tin cậy”, Ân xá Quốc tế nói rằng người dân bị giết hại ở 21 thành phố trên khắp Iran do “lực lượng an ninh Iran thực hiện bằng các phương thức giết người bất hợp pháp”.

Tổ chức nhân quyền cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đánh giá về con số thương vong trong các cuộc đàn áp biểu tình của lực lượng an ninh Iran bởi vì có rất ít báo cáo về vấn đề này và nhà cầm quyền Iran cũng đang phong tỏa internet.

Ân xá Quốc tế thông tin rằng các chiến thuật khắc nghiệt mà lực lượng an ninh Iran sử dụng để đàn áp người biểu tình gồm có bắn đạn thật trực tiếp, sử dụng lính bắn tỉa bắn từ trên các mái nhà cao tầng, trong một số trường hợp, có thể bắn tỉa từ trên trực thăng.

Chính quyền Iran không cung cấp số liệu thương vong chính thức và báo chí địa phương – hầu hết do nhà nước kiểm soát – loan tin rằng chỉ có ít người chết trong 5 ngày biểu tình vừa qua. Tờ nhật báo Kayhan  đưa tin có ít nhất 1.000 người đã bị bắt và một số lãnh đạo biểu tình có thể đã bị hành quyết.

Bất ổn tại Iran bắt đầu từ thứ Sáu (15/11) sau khi chính phủ thông báo tăng giá xăng vốn đang được trợ giá. Nhiều tài xế đã dừng phương tiện tại các tuyến đường chính ở thủ đô Tehran để phong tỏa giao thông.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo tăng giá xăng lên 50% đối với 60 lít mua đầu tiên trong tháng và 200% đối với bất kỳ lần mua nào tiếp theo. Ông Rouhani giải thích thêm rằng số tiền thu được chính phủ sẽ dùng để trợ cấp cho người nghèo.

Theo trang tin DW, hành động phản kháng của lực lượng tài xế đã nhanh chóng biến thành bạo động khi nhiều người biểu tình tiến hành đập phá các ngân hàng, cơ quan chính phủ, cửa hàng và các biểu tượng của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo tại gần 100 thành phố trên khắp cả nước. Truyền thông nhà nước Iran đưa tin có ít nhất ba sĩ quan của lực lượng Vệ binh Cách mạng và hai sĩ quan cảnh sát đã bị chết khi đối đầu với người biểu tình.

Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã gọi người biểu tình là “những kẻ côn đồ” được các thế lực nước ngoài hậu thuẫn.

Mặc dù các cuộc biểu tình này được kích hoạt trực tiếp từ việc chính quyền tăng giá xăng, nhưng chúng thực sự phản ánh sự bất mãn lớn hơn của người dân đối với chế độ Tehran và nền kinh tế đang ở mức tồi tệ sau khi Mỹ tái áp đặt chế tài từ cuối năm ngoái.

Những cuộc biểu tình không phải hiếm gặp tại Iran, nhưng quy mô và thời gian của cuộc biểu tình mới nhất này dường như đã khiến chế độ Tehran cảm thấy họ đang bị bao vây cả ở trong nước và khu vực. Nhiều quan chức chính quyền đã nói rằng họ sẽ nhanh chóng dùng bạo lực để đối đầu với người biểu tình.

Biểu tình tại Iran đến vào thời điểm khi nhiều tuần nay phong trào phản kháng chính quyền đã quét qua Iraq và Li Băng, đe dọa đến tầm ảnh hưởng đáng kể của Iran trong các nước này và dấy lên quan ngại trong chế độ Tehran về hiệu ứng dây chuyền lan tỏa vào nội địa nước Cộng hòa Hồi giáo.

Tại Iraq, các cuộc biểu tình bùng phát từ 1/10 đã nhắm mục tiêu chủ yếu vào lực lượng chính trị và bán quân sự của Iran tại đây. Theo DW, gần 2 tháng biểu tình tại Iraq đã làm ít nhất 320 người thiệt mạng.

Như Ngọc

Xem thêm: